Kinh tế thế giới 2024: Những cuộc cải tổ lớn

06:30' - 18/01/2024
BNEWS Mặc dù chính sách của các ngân hàng trung ương có tác động đáng kể đến niềm tin thị trường nhưng tác động cđối với kết quả kinh tế thực tế vẫn còn hạn chế.

Báo Bangkok Post (Thái Lan) ngày 16/1 đăng bài viết của tác giả Mohamed A. El-Erian, Chủ tịch trường Queens' College thuộc Đại học Cambridge, Giáo sư tại trường Wharton School thuộc Đại học Pennsylvania và là tác giả cuốn “Trò chơi duy nhất trong phố: Ngân hàng trung ương, sự bất ổn và tránh cú sụp đổ tiếp theo”. Bài viết dự báo về triển vọng kinh tế năm 2024.

Các nhà kinh tế học hành vi đã phổ biến thuật ngữ “thành kiến gần đây” để mô tả xu hướng khi con người chịu ảnh hưởng không cân xứng bởi những sự kiện mới nhất so với những sự kiện trước đó. Phải chăng hiện tượng nhận thức này giải thích tại sao nhiều nhà phân tích có quan điểm khá lạc quan về kinh tế thế giới vào năm 2024? Hay có những xu hướng thực sự tích cực làm đối trọng với những thách thức rõ ràng và ngày càng gia tăng trong tăng trưởng toàn cầu?     

Một bài xã luận gần đây của tờ Financial Times phản ánh sự lạc quan về kinh tế thế giới. Tâm lý lạc quan hiện nay hoàn toàn trái ngược với những dự đoán nghiệt ngã thống trị thời gian trước khi thế giới bước vào năm 2023. Thời điểm đó, Bloomberg Economics khẳng định rằng 100% nước Mỹ sẽ rơi vào suy thoái.

Chắc chắn là các ngân hàng trung ương có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý thị trường tài chính. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các ngân hàng trung ương đã đóng vai trò là nhà hoạch định chính sách hàng đầu thế giới. Họ hạ lãi suất, cung cấp thanh khoản cho các nền kinh tế, thúc đẩy lợi nhuận khổng lồ trên hầu hết các loại tài sản và tạo điều kiện cho sự thay đổi đáng chú ý trong phân phối tài sản, mang lại lợi ích lớn nhất cho những người giàu nhất.

Tuy nhiên, xu hướng này đã đảo ngược vào năm 2022 khi các ngân hàng trung ương, dẫn đầu là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), phản ứng muộn màng trước tình trạng lạm phát gia tăng bằng cách bắt tay vào một trong những chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ nhất từ trước đến nay.        

Mặc dù các ngân hàng trung ương có tác động đáng kể đến niềm tin thị trường nhưng tác động của chúng đối với kết quả kinh tế thực tế vẫn còn hạn chế. Các chính sách cực kỳ ôn hòa của họ trong những năm 2010 đã giúp giữ cho nền kinh tế toàn cầu phát triển. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chung vẫn ở mức thấp đáng thất vọng, bất bình đẳng và vẫn tách rời khỏi thực tế. Việc chuyển sang chính sách tiền tệ thắt chặt hơn vào năm 2022, từng được dự đoán sẽ dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và tăng trưởng chậm hơn, đã khiến tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ kết thúc năm 2023 ở mức thấp đáng kể là 3,7% và tốc độ tăng trưởng trong quý III/2023 tăng tốc lên 4,9%.  

Những diễn biến này cho thấy rằng chỉ riêng các chính sách của ngân hàng trung ương có thể không đủ để tạo ra động lực tăng trưởng cần thiết nhằm chống chọi với những “cơn gió ngược” mà kinh tế toàn cầu phải đối mặt.     

Trên thực tế, khó có thể tìm thấy một nền kinh tế có hệ thống sẵn sàng cho sự tăng trưởng đột phá vào năm 2024. Khi Trung Quốc vẫn phải gồng gánh một mô hình kinh tế mang lại lợi nhuận giảm dần, các nhà chức trách đã thừa nhận rằng tốc độ tăng trưởng của nước này bị hạn chế bởi sự thiếu hiệu quả trong nước và tỷ lệ nợ quá mức, sự phân mảnh toàn cầu gia tăng. Về phần mình, châu Âu khó có thể lặp lại thành tích mạnh mẽ bất ngờ của năm ngoái, đặc biệt là do hoạt động sản xuất toàn cầu trì trệ.

Một lần nữa, các nhà bình luận dường như đang đặt hy vọng vào chủ nghĩa ngoại lệ kinh tế của Mỹ. Nhưng mọi thứ đã tiến triển trong năm qua. Tiết kiệm hộ gia đình trong thời kỳ đại dịch thấp hơn và nợ cao hơn đóng vai trò như những trở ngại đối với nền kinh tế linh hoạt và kiên cường đáng kể của Mỹ. Hơn nữa, việc tăng lãi suất gần đây có thể sẽ tiếp tục hạn chế các khoản thế chấp mới của hộ gia đình, các công ty đang phải đối mặt với hàng núi nợ doanh nghiệp dự kiến sẽ đáo hạn vào năm 2025 và các tổ chức phi ngân hàng có đòn bẩy tài chính cao đang phải giải quyết các khoản lỗ của họ.       

Môi trường địa chính trị hiện tại cũng không có lợi cho tăng trưởng mạnh mẽ. Hậu quả của xung đột Israel-Hamas ngày 7/10 đã thách thức hy vọng ngăn chặn cuộc khủng hoảng, trong khi căng thẳng ở Biển Đỏ đã làm gián đoạn thương mại toàn cầu. Trong khi đó, nhiều nước sẽ có các cuộc bầu cử quan trọng trong năm 2024.         

Trong hoàn cảnh này, cơ hội tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ vào năm 2024 dường như rất mong manh. Tuy nhiên, có hai cách để giảm thiểu các rủi ro. Đầu tiên, các nhà hoạch định chính sách cần tiến hành các cuộc cải tổ lớn về chính sách kinh tế, tập trung vào cải cách cơ cấu nhằm nuôi dưỡng động lực tăng trưởng và năng suất trong tương lai. Thứ hai, cộng đồng quốc tế cần phải làm tốt hơn nữa để chấm dứt những cuộc xung đột tại Trung Đông trước khi căng thẳng lan rộng và gây ra bất ổn địa chính trị. Nếu không có những can thiệp này, những người lạc quan hôm nay sẽ cảm thấy thất vọng vào cuối năm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục