Kinh tế thế giới tuần qua chứng kiến nhiều biến động

14:10' - 07/04/2024
BNEWS Kinh tế tuần qua chứng kiến nhiều biến động, từ báo cáo việc làm vượt mong đợi của Mỹ đến việc động đất tại Đài Loan (Trung Quốc) làm gián đoạn hoạt động của công ty bán dẫn hàng đầu thế giới TSMC.

Dưới đây là một số tiêu điểm kinh tế trong tuần qua được Bloomberg chỉ ra.

 

Mỹ đón tin vui về việc làm

Các doanh nghiệp Mỹ đã tạo thêm 303.000 việc làm trong tháng Ba. Số liệu cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ đã đạt mức cao nhất trong gần một năm, vượt xa dự báo của giới chuyên gia. Điều này làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất. Ngoài ra, Fed cũng có thể cân nhắc giảm lãi suất ít hơn trong năm nay so với dự đoán.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội cảnh báo trong dự báo mới nhất rằng nợ của chính phủ liên bang Mỹ đang trên đà tăng từ 97% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm ngoái lên 116% GDP vào năm 2034 - thậm chí cao hơn cả trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai. Triển vọng thực tế có thể còn tồi tệ hơn.

Trong khi đó, các cảng dọc theo Bờ Đông nước Mỹ đang điều chỉnh hoạt động để tiếp nhận hàng hóa chuyển hướng từ cảng Baltimore, nơi các chuyên gia cứu hộ đang bắt đầu nhiệm vụ khó khăn là dọn sạch các mảnh vỡ từ Cầu Francis Scott Key đã bị phá hủy.

Đài Loan (Trung Quốc) nối lại sản xuất, hoạt động nhà máy Trung Quốc vượt kỳ vọng

Tại châu Á, trận động đất tồi tệ nhất trong 25 năm ở Đài Loan (Trung Quốc) đã khiến nhiều hoạt động phải tạm dừng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan đã nhanh chóng khởi động lại. TSMC, nhà sản xuất chip tiên tiến hàng đầu cho Apple và Nvidia, cho biết họ đã nối lại hoạt động sản xuất chưa đầy 24 giờ sau thông báo sơ tán nhân viên và tạm dừng hoạt động. Công ty này cho biết không ghi nhận thiệt hại đối với các thiết bị sản xuất chip quan trọng nhất của họ sau trận động đất có độ lớn 7,4 xảy ra hôm 3/4 tại Đài Loan (Trung Quốc).

Trong khi đó, hoạt động tại các nhà máy của Trung Quốc khởi sắc vượt kỳ vọng trong tháng Ba, thúc đẩy sự lạc quan về khả năng nước này đạt được mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng khoảng 5% trong năm nay. Chỉ số quản lý mua hàng sản xuất Caixin tăng lên 51,1 - trên mức 50, cho thấy sự mở rộng trong tháng thứ 5, chuỗi dài nhất của hơn hai năm.

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm lại, với lãi suất cao hơn trong thời gian dài và căng thẳng địa chính trị ngày càng tồi tệ đang che mờ triển vọng khu vực.

Argentina: Lạm phát tăng vọt lên 276%

Các quốc gia đang phát triển trên khắp thế giới đang đứng ở “ngã ba đường” giữa Mỹ và Trung Quốc trong các vấn đề thương mại, tài chính và an ninh. Trong khi đó, không nơi nào khó khăn hơn ở Argentina (Ác-hen-ti-na). Tỷ lệ lạm phát đã tăng vọt lên mức 276%, lịch sử vỡ nợ trái phiếu chính phủ và tổng cộng sáu cuộc suy thoái trong thập kỷ qua là những yếu tố khiến quốc gia Nam Mỹ này ngày càng phụ thuộc tài chính vào Trung Quốc, nhiều hơn bất kỳ nước láng giềng nào ở Mỹ Latinh.

Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Argentina Javier Milei đã cắt viện trợ liên bang cho chính quyền địa phương, phá giá đồng peso, công bố kế hoạch tinh giản 70.000 việc làm và bãi bỏ các biện pháp kiểm soát giá cả. Nhưng bất chấp tất cả những nỗi đau kinh tế mà “liệu pháp sốc” của ông đã gây ra cho người dân Argentina, lạm phát hằng năm vẫn tăng vọt lên mức 276%. Giờ đây, Tổng thống Javier Milei, người đã giành chiến thắng với 56% phiếu bầu, đang chạy đua với thời gian để giảm lạm phát và duy trì tỷ lệ ủng hộ này.

Lạm phát châu Âu tăng chậm hơn dự kiến

Lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tăng chậm hơn dự kiến, củng cố triển vọng cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào tháng Sáu. Báo cáo về lạm phát cũng bổ sung thêm bằng chứng cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang hướng tới việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%, cho phép họ sớm dỡ bỏ một số hạn chế cần thiết.

Thị trường lao động ở các nước phát triển rất tích cực

Thị trường lao động ở hầu hết các nước phát triển diễn biến tích cực vượt kỳ vọng. Những yếu tố thúc đẩy nhu cầu sử dụng lao động - bao gồm lực lượng lao động già, thiếu lao động lành nghề và các công ty giữ chân nhân viên - vẫn đang được duy trì ngay cả khi nền kinh tế bắt đầu chậm lại.

Ngân hàng trung ương Chile đã “hạ nhiệt” tốc độ cắt giảm lãi suất, Kenya (Kê-ni-a) giữ lãi suất ở mức cao nhất trong 12 năm, trong khi Mauritius, Ba Lan, Romania, Ấn Độ, Lesotho cũng giữ nguyên lãi suất.

Ngân hàng trung ương Zimbabwe đã công bố một loại tiền tệ mới được hỗ trợ bởi rổ ngoại tệ và vàng, sẽ ra mắt vào ngày 8/4.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục