Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh: Phát huy hiệu quả các nguồn lực xã hội

13:01' - 02/09/2020
BNEWS Trong 5 năm 2016-2020, tổng vốn đầu tư xã hội bình quân chiếm khoảng 35% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố, dự tính đạt khoảng 2.156.6 nghìn tỷ đồng.

Trong điều kiện nguồn lực của nhà nước còn nhiều khó khăn, hạn chế, Tp. Hồ Chí Minh nổi lên là một trong những điểm sáng của cả nước trong phát huy các nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay, thành phố tiếp tục thể hiện tư duy đổi mới, hình thành khu đô thị sáng tạo nhằm đột phá để tiếp tục phát triển.

* Điểm sáng huy động vốn đầu tư xã hội

Trong 5 năm 2016-2020, tổng vốn đầu tư xã hội bình quân chiếm khoảng 35% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố, dự tính đạt khoảng 2.156.6 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tỷ trọng khu vực nhà nước giảm từ 19,9% năm 2015 xuống chỉ còn 11,5% năm 2020, tăng tỷ trọng đầu tư khu vực ngoài nhà nước năm 2020 là 88,5%. Điều này cho thấy, môi trường đầu tư, các chính sách khuyến khích phát triển của nhà nước ngày càng hoàn thiện, huy động tốt hơn các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế thành phố.

Hiện Tp. Hồ Chí Minh đang quản lý 22 Hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã ký kết và đang triển khai, với tổng mức đầu tư 64.244 tỷ đồng; 166 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư theo hình thức PPP, với tổng mức đầu tư dự kiến là 324.770 tỷ đồng. Thành phố đang kêu gọi đầu tư gần 293 dự án trên tất cả các lĩnh vực giao thông, môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục và các lĩnh vực khác với tổng mức đầu tư dự kiến 910.426 tỷ đồng.

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn, hình thức hợp tác PPP được các cơ quan, ngành tham mưu UBND thành phố triển khai đúng hướng, hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích trong công việc quản lý, khai thác công trình, công ty dịch vụ như thu hút được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng từ khu vực tư nhân.

Thông qua hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), trong giai đoạn 2015 - 2017, thành phố đã huy động được 20.338 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần giải quyết yêu cầu đầu tư phát triển kinh tế  - xã hội, giải quyết nhu cầu vốn trong điều kiện ngân sách thành phố còn hạn chế; góp phần nâng cao điều kiện sống cho người dân như giảm kẹt xe, xây dựng các cơ sở y tế, văn hóa, giáo dục...

Một số dự án BT hoàn thành và đưa vào sử dụng như dự án cầu Phú Mỹ, cầu Sài Gòn 2, đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (đây là công ty đầu tư theo hình thức BT đầu tiên của nhà đầu tư nước ngoài (Công ty GS - Hàn Quốc thực hiện). Qua đó, có thể thực hiện thành công bước đầu trong việc kêu gọi nguồn vốn tư nhân trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn khi tham gia đầu tư cho hạ tầng giao thông.

Để thu hút vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm, UBND thành phố đã tổ chức nhiều hội thảo mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực cấp thiết; chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cổng thông tin điện tử PPP của thành phố, là công cụ hữu hiệu trợ giúp các nhà đầu tư tiềm năng tiếp cận được các thông tin dễ dàng, thuận tiện, đầy đủ. Ngoài những dự án trên, các cơ sở hạ tầng giao thông đầu mối quan trọng khác như mở rộng Xa Lộ Hà Nội, Nhà máy xử lý nước thải kênh Tham Lương - Bến Cát… cũng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Việc đưa quỹ đất vào thanh toán cho các dự án theo hình thức BT đã góp phần giảm áp lực sử dụng vốn ngân sách nhà nước thành phố trong đầu tư hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, góp phần phát triển thành phố. Thời gian tới, khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực thi hành, thành phố có thể sẽ gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư các dự án không có nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công hoặc khó khả thi về mặt tài chính do luật không còn quy định về đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT.

Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, thành phố đang chuẩn bị một quy trình của thành phố để triển khai các dự án PPP, đồng thời kiến nghị Trung ương có quy trình để liên kết các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ các địa phương thực hiện các dự án PPP. Quy trình này là quy trình cụ thể cho từng loại dự án PPP, chủ động đề xuất dự án để kêu gọi đầu tư, không được bị động, mặt khác đấu thầu công khai chọn các nhà đầu tư.

*Phát triển đô thị sáng tạo

Trong nỗ lực đổi mới sáng tạo, từ năm 2018, Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông để hình thành trung tâm động lực tăng trưởng mới cho thành phố trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Khu đô thị sáng tạo cao phía Đông thành phố (gồm Quận 2, Quận 9 và Thủ Đức) có diện tích là 21.000 ha (chiếm 11% diện tích thành phố), gần 1 triệu dân (11% dân số thành phố). Đây là khu vực có Khu công nghệ cao (tổng đầu tư trên 7 tỷ USD, xuất khẩu 8 tỷ USD/năm) và 4 khu công nghiệp, khu chế xuất cùng với Đại học Quốc gia  Tp. Hồ Chí Minh và 5 đại học khác (100.000 sinh viên và gần 2.000 tiến sĩ).

Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2) có Trung tâm tài chính, cảng Cát Lái - là cảng container lớn nhất cả nước. Với những nền tảng đó, Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ là nơi có mật độ công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao lớn nhất thành phố, mật độ sinh viên và nghiên cứu khoa học đại học lớn nhất cả nước, trong tương lai có thể đóng góp 30% GRDP của Tp. Hồ Chí Minh.

Một trong những “hạt nhân” của Khu đô thị sáng tạo phía Đông là Khu Công nghệ cao Thành phố, nơi tập trung nhiều tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới và một nền tảng phát triển mạnh mẽ.

Bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố cho biết, Khu Công nghệ cao Thành phố đặt mục tiêu trong tương lai trở thành trung tâm không gian khoa học sáng tạo, là hạt nhân Khu đô thị sáng tạo phía Đông, chuyên cung cấp và nuôi dưỡng nhân lực, vốn, công nghệ cao từ trong và ngoài nước.

Hiện Khu Công nghệ cao đang tập trung thu hút công nghệ cao, sản phẩm công nghệ có giá trị gia tăng; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút các công nghệ mới, hình thành các trung tâm R&D trong doanh nghiệp, hoạt động R&D tăng về lượng và chất. Sự liên kết với Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh và các trường đại học khác, Khu Công nghệ cao tạo được giá trị cốt lõi trong đào tạo nhân lực chất lượng cao cho thành phố và các tỉnh lân cận, thông qua các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế cung ứng cho doanh nghiệp.

Với vai trò là trung tâm khoa học - công nghệ hạt nhân của khu đô thị sáng tạo, theo bà Lê Bích Loan, Khu Công nghệ cao sẽ tập trung xây dựng môi trường thuận lợi cho phát triển khoa học - công nghệ; thu hút nguồn nhân lực phát triển khoa học - công nghệ; xây dựng mối liên kết giữa chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, viện, trường trong việc phát triển công nghệ cao cho thành phố; trung tâm nghiên cứu, phát triển các ứng dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt hướng đến xây dựng Tp. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh.

Vừa qua, UBND Thành phố đã ban hành hành động nhằm xây dựng khu vực phía Đông thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao. Đây đồng thời sẽ là khu vực dẫn dắt kinh tế thành phố trong các hoạt động kinh tế tri thức, như đào tạo, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, khu vực này có cường độ ứng dụng công nghệ cao, cường độ đào tạo và nghiên cứu khoa học cao nhất cả nước, có khu đô thị mới, trung tâm tài chính quốc tế. Đây là các yếu tố tác động tạo nên vùng tăng trưởng mới.

Với những cách làm hay, sáng tạo đã giúp Tp. Hồ Chí Minh tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ thời gian qua. Khi những nguồn lực đầu tư hạn chế, kinh tế tri thức bùng nổ, thành phố đã chủ động nắm bắt thời cơ, quy hoạch phát triển khu Đông thành một đô thị sáng tạo, nhờ chuỗi nguồn lực khoa học công nghệ - trí thức - doanh nghiệp nhằm tạo bước “đột phá mới” trong phát triển.

Bài cuối: Vượt qua các trở lực

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục