Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh phục hồi nhưng chưa bứt phá
Nội dung được nêu ra tại phiên họp về kinh tế - xã hội 9 tháng và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý IV/2023 của UBND Tp. Hồ Chí Minh ngày 28/9.
Khởi sắc nhưng còn khó khăn
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, Tp. Hồ Chí Minh đã làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III/2023 ước tăng 6,71%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tăng 3,2%; 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 5,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 8,6%; tổng doanh thu du lịch ước tăng 35,8% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 13%.
Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh, quý III có nhiều tín hiệu tích cực với mức tăng trưởng 6,71%, kéo theo tăng trưởng 9 tháng đạt 4,57% (6 tháng chỉ tăng 3,55%). Trong các ngành dịch vụ, chỉ duy nhất hoạt động bất động sản vẫn tăng trưởng âm, làm kéo giảm tăng trưởng GRDP của thành phố. Bất động sản giảm cũng ảnh hưởng đến ngành xây dựng và các ngành kinh tế rất lớn.
Ông Nguyễn Khắc Hoàng cũng cho biết, sức mua nội địa hiện nay là một trong những yếu tố quyết định tăng trưởng và đang là điểm sáng để “bù” cho xuất nhập khẩu đang suy giảm. Chỉ số sản xuất công nghiệp theo chiều hướng tích cực, trong tháng 9 tăng 8,1% so với cùng kỳ. Tín hiệu này rất đáng mừng khi đây là tháng thứ ba thành phố có mức tăng trưởng và có thể xem đã vượt qua sự quy giảm của những tháng đầu năm. Nếu sản xuất công nghiệp có tín hiệu tích cực thì sẽ góp phần duy trì thị trường nội địa.
Trong 9 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới là 37.224 doanh nghiệp với số vốn đăng ký mới là 342.516 tỷ đồng, tăng 13% về số lượng. Theo ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính Tp. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp thành lập mới tăng so cùng kỳ, được xem là bức tranh sáng. Thành phố đã kịp thời thực hiện các chính sách miễn, giảm tiền thuế, lệ phí theo quy định, trong đó miễn thuế 8.613 tỷ đồng và gia hạn 10.968 tỷ đồng. Điều này phần nào giúp cho doanh nghiệp giảm khó khăn, có thêm nguồn lực tài chính để phát triển.
Trên cơ sở khảo sát nhanh cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tình hình quý III, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động cộng đồng doanh nghiệp bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc trở lại cho hoạt động xuất khẩu. Một số lĩnh vực như dệt may, hàng lương thực thực phẩm có đơn hàng trở lại. Tuy nhiên, các đơn hàng này là ngắn hạn chứ không phải dài hạn.
“Các đơn hàng chủ yếu là đơn hàng các mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng thường xuyên; còn những đơn hàng mang tính chất dài hạn như lĩnh vực về gỗ và nội thất vẫn chưa có đơn hàng trở lại”, ông Hòa chia sẻ thêm.
Chuẩn bị nắm bắt cơ hội
Dù có những tín hiệu tích cực, nhưng nền kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, vốn có độ mở cao, vẫn gặp nhiều thách thức. Đơn hàng sản xuất giảm, hàng hóa tồn kho tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm (kim ngạch xuất khẩu giảm 14,2%, kim ngạch nhập khẩu giảm 17,25%). Doanh nghiệp thành lập mới tăng về số lượng nhưng giảm về vốn đăng ký so với cùng kỳ; thu hút đầu tư FDI giảm mạnh (giảm 34,1%). Tình hình giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ về giá trị tuyệt đối, nhưng tốc độ giải ngân còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng.
Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng qua ước thực hiện 326.193 tỷ đồng, đạt 69,45% dự toán và bằng 93,65% so cùng kỳ. Ông Lê Duy Minh cho biết, thành phố là một trong những địa phương có số thu ngân sách đến thời điểm hiện nay thấp nhất so với bình quân chung của cả nước. Nguyên nhân là Tp. Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng rất nặng nề trong đợt dịch, vẫn còn khó khăn đối với doanh nghiệp. Nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu thế mạnh như dệt may, da giày giảm sâu, trong khi nhập khẩu mặt hàng linh kiện vi tính điện tử cũng giảm; dẫn tới kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 7,2% so với cùng kỳ.
Phân tích thêm về các khoản thu và ảnh hưởng đối với hoạt động thu ngân sách trên địa bàn, ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính chia sẻ, những khoản thu nhập cá nhân từ hoạt động bất động sản (chuyển nhượng, hồ sơ trước bạ nhà đất) và hoạt động chứng khoán giảm sâu. Doanh thu hiện nay của thị trường chứng khoán chỉ đạt bình quân là 10.000 tỷ đồng mỗi ngày, trong khi năm 2022 bình quân là khoảng 30.000 tỷ đồng.
Dựa trên hai từ khóa quan trọng là “chu kỳ kinh tế” và “độ trễ chính sách”, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh Trương Minh Huy Vũ phân tích, khả năng rất cao thành phố sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5-8% như đề ra. Dù Thành phố có những nỗ lực nhưng không thể thoát được “chu kỳ kinh tế” suy giảm và độ trễ chính sách.
Theo ông Trương Minh Huy Vũ, các dự báo quốc tế chỉ ra, chu kỳ kinh tế sẽ trở lại từ quý II năm sau. Do đó, trong quý IV năm nay dù Tp. Hồ Chí Minh có đà phục hồi nhưng không thể bứt phá mạnh được, mà phải qua Tết mới bắt đầu có xu hướng tốt hơn. Quan trọng là khi chu kỳ kinh tế trở lại, Thành phố phải nắm bắt để bứt phá. Trong quý IV, Thành phố phải tập trung hơn nữa những giải pháp ứng phó, ứng biến đã thực hiện, trong đó tập trung mạnh mẽ vào đầu tư công, động lực trong suốt 9 tháng qua và tiếp tục kích thích tiêu dùng.
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng, tăng trưởng của quý III ước đạt 6,7%, trong khi quý II là 5,8% giúp “bù” cho quý I chỉ đạt 0,7%. Cộng chung đến nay, tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố là 4,5%. Đây là điều đáng mừng, so với chính bản thân thành phố, bởi theo đà tiến từng bước, ngày càng tăng. Cùng với tăng trưởng kinh tế, các lĩnh vực văn hóa xã hội, chăm sóc sức khỏe, giải quyết việc làm... của thành phố cũng đạt được nhiều kết quả tích cực qua những con số ấn tượng.
Lưu ý các đơn vị đưa ra nhiều giải pháp nhưng không được nóng vội, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, trước mắt tập trung giải ngân đầu tư công trong ba tháng tới và tập trung kích cầu tiêu dùng nội địa. Việc mua sắm công, chi tiêu công cũng phải được chú ý, phải làm tốt hơn việc chi cho đầu tư phát triển. Cùng với đó, chính quyền thành phố tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên quan điểm “tháo gỡ cùng doanh nghiệp, chứ không phải cho doanh nghiệp”./.
Tin liên quan
-
Kinh tế & Xã hội
Du lịch MICE Tp Hồ Chí Minh khởi sắc mạnh mẽ
18:03' - 22/09/2023
Cùng với ngành du lịch cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và các chính sách thị thực quan trọng tạo thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam.
-
Kinh tế Việt Nam
Tp. Hồ Chí Minh điều chỉnh, bổ sung vốn đầu tư công năm 2023
16:22' - 19/09/2023
Ngày 19/9, kỳ họp lần thứ 11, HĐND Tp.Hồ Chí Minh khóa X đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2023 nguồn vốn ngân sách địa phương.
-
Kinh tế Việt Nam
Tp. Hồ Chí Minh thông qua danh mục đầu tư 5 dự án BOT
16:11' - 19/09/2023
Tại kỳ họp thứ 11 khóa X diễn ra sáng 19/9, HĐND Tp. Hồ Chí Minh đã thông qua nghị quyết ban hành danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Đề xuất thành lập Khu Kinh tế Ninh Cơ: Tiềm năng phát triển kinh tế biển bền vững
10:46'
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Thủ tướng Báo cáo thẩm định về việc thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ (Nam Định), mở ra tiềm năng phát triển kinh tế biển bền vững, đa ngành cho phía Nam của tỉnh.
-
Kinh tế Việt Nam
Thị trường lao động cuối năm còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ
08:43'
Thị trường lao động vì vậy tiếp tục ghi nhận nhiều yếu tố tích cực. Tuy nhiên từ nhu cầu tuyển dụng cũng như nguồn cung lao động cho thấy còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.
-
Kinh tế Việt Nam
Lào Cai: Tăng cường kích cầu, đưa hoạt động du lịch trở về đúng quỹ đạo
07:52'
Dù đang là thời điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất trong năm, nhưng lượng khách đến Lào Cai vẫn chưa đạt kỳ vọng.
-
Kinh tế Việt Nam
Lạng Sơn tích cực xây dựng các dự án thúc đẩy kinh tế cửa khẩu
07:00'
Tỉnh Lạng Sơn có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia và 9 cửa khẩu phụ tiếp giáp với Trung Quốc, cùng với hệ thống đường sắt, đường bộ rất thuận tiện nối liền các trung tâm kinh tế lớn trong nước.
-
Kinh tế Việt Nam
Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Ưu tiên hướng tuyến thẳng nhất, hiệu quả kinh tế cao nhất
21:33' - 01/11/2024
Cần nhất quán nguyên tắc ưu tiên hướng tuyến thẳng nhất, bằng nhất, hiệu quả kinh tế cao nhất, thuận lợi cho việc nâng cấp sau này.
-
Kinh tế Việt Nam
Xây dựng cơ chế ưu đãi thu hút hàng hóa container qua cảng biển
20:35' - 01/11/2024
Đại diện Cảng Quốc tế Long An đề xuất tỉnh ban hành cơ chế chính sách ưu đãi thu hút hàng container vào cảng; đồng hành trong việc tạo chân hàng container và điều tiết luồng hàng về cảng.
-
Kinh tế Việt Nam
Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng vọt khi chuỗi cung ứng thay đổi
18:39' - 01/11/2024
Theo trang nikkei.com ngày 31/10, Việt Nam ghi nhận xuất khẩu sang Mỹ trong quý II/2024 tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, đứng thứ hai trong khu vực ASEAN sau Philippines với mức tăng 35%.
-
Kinh tế Việt Nam
Công điện ứng phó với mưa lớn ở Trung Bộ
18:07' - 01/11/2024
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện số 8248/CĐ-BNN-ĐĐ về việc ứng phó với mưa lớn khu vực miền Trung.
-
Kinh tế Việt Nam
Thành phố Hồ Chí Minh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trường hợp nhà nước thu hồi đất
17:49' - 01/11/2024
Nhằm cụ thể hóa các nội dung về Luật Đất đai 2024, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành quy định mức hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi tại Thành phố.