Kinh tế Trung Quốc đối mặt với bài toán mới mang tên "giảm phát"

05:30' - 14/08/2023
BNEWS Trung Quốc đang gặp phải một vấn đề hoàn toàn trái ngược với hầu hết các nền kinh tế khác trong G20, đó là nước này đang phải vật lộn để tạo ra lạm phát,

 Theo trang mạng The Financial Review (Australia), Trung Quốc đang gặp phải một vấn đề hoàn toàn trái ngược với Australia và hầu hết các nền kinh tế khác trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20), đó là nước này đang phải vật lộn để tạo ra lạm phát, trong khi các nước khác lại đang cố gắng "hạ nhiệt" giá cả. Câu hỏi đặt ra hiện giờ là: Tình trạng giảm phát của Trung Quốc sẽ kéo dài bao lâu? Giá cả giảm sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế như thế nào cũng như tác động nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng, lợi nhuận của công ty và đầu tư ra sao?

Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát vào tháng 7/2023, một bước ngoặt trong quá trình phục hồi đang chững lại của nước này sau đại dịch COVID-19. Điều này đã được xác nhận ngày 9/8, khi các dữ liệu được công bố cho thấy cả giá tiêu dùng và sản xuất của Trung Quốc đều giảm.

Sự sụt giảm này không nằm ngoài dự kiến, nhưng cũng cho thấy những thách thức đối với nền kinh tế trong việc tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng. Mức giảm 0,3% trong chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7/2023 so với một năm trước đó thấp hơn một chút so với dự báo về mức giảm 0,4%. Tuy nhiên, đó không phải là tin tốt đối với Trung Quốc, khi nước này có thể thêm giảm phát vào danh sách các thách thức kinh tế, bao gồm xuất khẩu giảm, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên và nợ trong lĩnh vực bất động sản ở mức cao.

Các nhà hoạch định chính sách phải giải quyết hai xu hướng chính ở Trung Quốc mà có nguy cơ làm giảm giá hơn nữa.

Đầu tiên, nhiều năm hạn chế và phong tỏa nghiêm ngặt do đại dịch COVID-19 đã làm giảm niềm tin của người tiêu dùng. Hàng thập kỷ của những bữa tiệc xa hoa và những chuyến đi mua sắm ở châu Âu đã qua. Hiện giờ, các hộ gia đình thận trọng hơn trong cách quản lý tài chính.          

Đặc biệt, các chủ doanh nghiệp nhỏ đang cố gắng kiếm lại số tiền họ đã mất trong đại dịch, trong khi giá trị tài sản giảm và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng cũng đang khiến người tiêu dùng lo sợ. Điều này được phản ánh trong dữ liệu nhập khẩu yếu của Trung Quốc được công bố ngày 8/8. Nhu cầu của người tiêu dùng giảm mạnh cũng buộc các nhà bán lẻ phải giảm giá. Nhiều người đang cố gắng giảm lượng hàng tồn kho mà họ đã tích trữ trong thời kỳ đại dịch và hiện không thể bán được.

Các nhà kinh tế tại Gavekal Dragonomics, một cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng tình trạng suy thoái đồng thời ở cả hai động lực quan trọng nhất của đất nước là tài sản và xuất khẩu chính là nguyên nhân dẫn đến giảm phát. Trong một báo cáo gần đây, họ viết: “Cú sốc này đã gây nguy hiểm cho sự phục hồi mà người tiêu dùng hy vọng và khiến chính phủ phải thay đổi chính sách – mặc dù sự thay đổi đó không đột ngột như nhiều người đã hy vọng… Các nhà sản xuất hàng hóa hiện có rất nhiều lý do để giảm giá: Nguyên liệu đầu vào rẻ hơn (đặc biệt là dầu mỏ), công suất dư thừa, nhu cầu yếu và hàng tồn kho cao. Điều này cũng đang làm giảm giá cả”.   

Đối với phần còn lại của thế giới, điều này có nghĩa là giá thành sản phẩm mà Australia và các quốc gia khác như Mỹ mua từ Trung Quốc đang giảm. Điều này có thể giúp giải quyết vấn đề lạm phát của thế giới. Tuy nhiên, bất kỳ mặt tích cực nào từ điều này cũng sẽ bị lu mờ bởi nhu cầu giảm đối với các mặt hàng như quặng sắt và các sản phẩm tiêu dùng. Theo Goldman Sachs, nhu cầu thép ở Trung Quốc giảm có thể khiến giá quặng sắt tụt xuống dưới 100 USD/tấn trong năm nay. Đây không phải là tin tốt cho ngành xuất khẩu lớn nhất của Australia.  

Giá sản xuất giảm 4,4% trong tháng 7/2023 so với một năm trước đó, thấp hơn một chút so với dự kiến. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020, giá tiêu dùng và sản xuất đều giảm. Mặc dù các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc và các nhà kinh tế trong nước đều đang hạ thấp rủi ro giảm phát, song các nhà phân tích bên ngoài Trung Quốc có quan điểm trái chiều về mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Nhiều người cho rằng các biện pháp kích thích của Chính phủ Trung Quốc sẽ đẩy lạm phát trở lại mức dương trước cuối năm nay. Rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế khi các lực lượng hội tụ để đẩy giá xuống là việc người tiêu dùng hạn chế chi tiêu hơn nữa với hy vọng rằng giá sẽ tiếp tục giảm, khiến cho vấn đề thêm trầm trọng. 

Vòng xoáy đi xuống này lan sang sản lượng, đầu tư và việc làm, dẫn đến suy thoái. Tuy nhiên, nhà phân tích Julian Evans-Pritchard của công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô Capital Economics không thấy điều này xảy ra với Trung Quốc. Ông nói: “Lạm phát thấp vẫn là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như không ở trên bờ vực của vòng xoáy giảm phát”. Capital Economics cho biết lạm phát cơ bản, một chỉ dấu tốt hơn cho áp lực giá cơ bản, đã tăng từ 0,4% so với cùng kỳ lên 0,8% trong tháng.          

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế hiện so sánh Trung Quốc với Nhật Bản, quốc gia đã phải vật lộn với giảm phát trong nhiều thập kỷ sau sự sụp đổ tài chính do bất động sản gây ra. Nhật Bản, giống như Trung Quốc, có dân số già và nền kinh tế trì trệ kể từ khi “bong bóng” kinh tế bị vỡ vào đầu những năm 1990.  

Đây cũng không phải là lần đầu tiên Trung Quốc trải qua tình trạng giảm phát. Giá tiêu dùng cũng giảm vào đầu năm 2021, mặc dù điều đó phần lớn là do giá thịt lợn giảm mạnh. Tình hình lần này đã khác, khi cuộc khủng hoảng bất động sản và nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh đồng nghĩa với việc tân Thống đốc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương) Phan Công Thắng phải đối mặt với những thách thức về cơ cấu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục