Kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm ảnh hưởng đến triển vọng giá dầu thế giới

14:33' - 14/06/2023
BNEWS Sự khởi sắc của thị trường dầu mỏ toàn cầu khi Trung Quốc mở cửa trở lại đã dần hạ xuống.

Thay vào đó là nhận thức rằng việc phục hồi nền kinh tế sau ba năm “thắt chặt” vì đại dịch sẽ là một công việc khó khăn hơn nhiều so với suy nghĩ ban đầu của các nhà quản lý và giới thương nhân.

 

Trung Quốc là nước mua dầu thô lớn nhất thế giới. Mặc dù, nhập khẩu dầu thô của nước này đã tăng trở lại trong năm nay, nhưng nhu cầu thực tế vẫn còn yếu, cho thấy sự phục hồi diễn ra tương đối chậm chạp.

Sau những tín hiệu khả quan về tăng trưởng kinh tế trong quý I/2023, những tháng gần đây, nền kinh tế Trung Quốc đang đình trệ, ảnh hưởng đến triển vọng giá của dầu mỏ.

Nhu cầu vận tải chiếm hơn một nửa lượng tiêu thụ dầu của Trung Quốc, trong đó dầu diesel chiếm phần lớn nhất. Khoảng 20% khác đến từ các công ty thuộc ngành công nghiệp sản xuất nhựa và hàng tiêu dùng. Sản xuất điện, khai khoáng, nông nghiệp và xây dựng chiếm phần còn lại.

Ngày 13/6, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã hạ lãi suất cho vay ngắn hạn, lần đầu tiên sau 10 tháng để kích thích tăng trưởng. Cùng ngày, giá dầu thô thế giới đã tăng hơn 3% do hy vọng nhu cầu nhiên liệu của nước này sẽ tăng nhờ động thái của PBoC.

Trong báo cáo về thị trường dầu toàn cầu phát hành tháng 5/2023, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tiếp tục nâng dự báo nhu cầu, lên kỷ lục 102 triệu thùng/ngày năm nay, tăng 2,2 triệu thùng so với năm ngoái. 

Trong đó, Trung Quốc đóng góp phần lớn mức tăng, với 60%. IEA nhận định dù các số liệu kinh tế mới nhất cho thấy đà phục hồi của Trung Quốc còn mong manh, nhưng "triển vọng phục hồi nhu cầu dầu của nước này vẫn đang đi đúng dự báo"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục