Kinh tế tuần hoàn: “Động lực” mới cho tăng trưởng

08:02' - 16/06/2023
BNEWS Theo nhiều chuyên gia kinh tế, thực hiện kinh tế số, kinh tế tuần hoàn sẽ tạo cơ hội lớn cho phát triển nhanh và bền vững; tạo không gian phát triển mới.
Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7 tháng 6 năm 2022. Quyết định này đã khẳng định chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ năm 2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành chương trình hành động về kinh tế xanh với các nhóm lĩnh vực ưu tiên, gồm: nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch, năng lượng tái tạo và tài nguyên nước, kèm theo là 80 phương án và giải pháp cụ thể để phát triển.

 
Đối với nông nghiệp, trong vòng 20 năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhờ đó, đã tạo doanh thu rất lớn đối với một đơn vị diện tích của tỉnh cũng như đứng đầu cả nước.

Ông Phạm S chia sẻ, tỉnh Lâm Đồng hiện có 63 nghìn ha diện tích ứng dụng công nghệ cao, chiếm 21% diện tích đất canh tác của tỉnh. Thông qua nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bình quân mỗi ha đất nông nghiệp của tỉnh đạt 9 nghìn USD, đặc biệt trong đó có nhiều điểm đã đạt 100 nghìn USD, thậm chí là 200 nghìn USD, ngang tầm với một số khu vực trên thế giới.

Việc ứng dụng công nghệ cao được tỉnh Lâm Đồng thực hiện bằng nhiều giải pháp như: sử dụng công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin, công nghệ xử lý môi trường…

Tuy nhiên, Lâm Đồng cũng chỉ là một trong số ít những địa phương ứng dụng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất. Chủ yếu hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển kinh tế số và kinh tế tuần hoàn.

Cụ thể, theo chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Nguyễn Bích Lâm, thách thức đầu tiên đó là hạn chế về nhận thức của cộng đồng xã hội đối với kinh tế số trong tạo sự đồng thuận chung về kinh tế tuần hoàn, từ việc thiết kế đến triển khai ở các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, người dân và các cấp quản lý. Môi trường pháp lý và thể chế cho phát triển kinh tế số và kinh tế tuần hoàn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ.

Hiện tại, Việt Nam chưa có hành lang pháp lý quy định cụ thể về kinh tế tuần hoàn; chưa xây dựng và ban hành bộ chỉ tiêu để nhận diện, đánh giá và phân loại mức độ phát triển của kinh tế tuần hoàn.

Không những thế, hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế. Đối với thực hiện kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải đổi mới và áp dụng công nghệ hiện đại. Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, hầu hết công nghệ còn lạc hậu, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Năng lực về công nghệ tái sử dụng và tái chế của doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cũng là thách thức không nhỏ đối với phát triển kinh tế số và kinh tế tuần hoàn. Thực hiện kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giỏi trong các khâu của quy trình sản xuất, nhất là khâu tái sử dụng, tái chế chất thải một cách hiệu quả, an toàn.

Hiện nay, trình độ đào tạo của lao động có việc làm trong nền kinh tế còn thấp, với 72,5% không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và 12,5% có trình độ đại học trở lên. Đội ngũ lao động có việc làm chưa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế khi thực hiện kinh tế số và kinh tế tuần hoàn.

Ngoài ra, việc cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp công nghệ số nước ngoài với tiềm lực mạnh, tạo ra sản phẩm sáng tạo với hàm lượng công nghệ cao đang là thách thức lớn với các doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước hạn chế vì quy mô nhỏ, thiếu vốn, trình độ công nghệ thấp…

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, thực hiện kinh tế số, kinh tế tuần hoàn sẽ tạo cơ hội lớn cho phát triển nhanh và bền vững; tạo không gian phát triển mới, mở ra cơ hội cho nền kinh tế phát triển đột phá. Thực hiện kinh tế tuần hoàn còn giúp đạt các mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn biễn ngày càng phức tạp, khó lường.

Đại diện một trong những địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện mô hình kinh tế số, phát triển kinh tế tuần hoàn, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, Nghị quyết 43 ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định xây dựng Đà Nẵng để trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của Việt Nam và khu vực, tập trung vào các lĩnh vực như: du lịch, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, logistics, tài chính.

Theo đó, để thực hiện các mục tiêu này, thành phố Đà Nẵng sẽ tập trung một số giải pháp như: gắn phát triển du lịch với bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch văn hóa; công nghệ thông tin gắn với nền kinh tế số; công nghệ xanh gắn với công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; logistics gắn với cảng biển…

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, hiện một số địa phương đang rất tích cực chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ ở mức cao nhất, nói "không" với các dự án không bảo đảm được các yếu tố môi trường.

Về phía doanh nghiệp, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia cho rằng, việc ứng dụng các công nghệ mới như: 5G, AI, IoT đóng vai trò rất quan trọng cho các quốc gia trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Nghiên cứu của những Sáng kiến bền vững toàn cầu chỉ ra việc ứng dụng các công nghệ mới trong nhiều lĩnh vực có thể giảm được lượng khí thải khoảng 12 nghìn tỷ tấn carbon vào năm 2030; đặc biệt, trong các lĩnh vực như giao thông, sản xuất nông nghiệp.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn đang là xu thế và động lực thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Việt Nam hiện đang thực hiện 17 hiệp định thương mại tự do.

Để thúc đẩy kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh phải xử lý một loạt thách thức, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai một số nhóm giải pháp về đổi mới tư duy lãnh đạo quản lý và năng lực điều hành kinh tế. Theo đó, rào cản lớn nhất thực hiện kinh tế số, chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn không phải là vốn, công nghệ mà chính là nhận thức của người lãnh đạo. Việc chuyển sang nền tảng số và kinh tế tuần hoàn đồng nghĩa với chuyển đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, chuyển đổi trình độ và kỹ năng của người lao động.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý tạo khuôn khổ pháp luật đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

“Phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn không phải là cuộc cách mạng về công nghệ mà là cuộc cách mạng về thể chế. Thể chế cần tạo ra môi trường pháp lý được điều chỉnh linh hoạt để khuyến khích và chấp nhận công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới”, chuyên gia Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Cùng với đó, Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường; quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế các sản phẩm thải bỏ. Hành lang pháp lý thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn phải coi doanh nghiệp là động lực trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục