Kinh tế Việt Nam sẽ bước sang chu kỳ phát triển mới

06:00' - 06/01/2016
BNEWS Việt Nam sẽ thoát khỏi thời kỳ suy giảm và bước vào chu kỳ phục hồi mới nhờ hỗ trợ từ giá hàng hoá thấp, lực đẩy từ khu vực DN và nhu cầu bên ngoài, và những cải cách thể chế phát huy hiệu quả.
Bà Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: NCIF.

Kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đón nhận nhiều tín hiệu lạc quan đến từ dự báo kinh tế thế giới và trong nước. Quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế sẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định tăng trưởng kinh tế trong trung hạn.

Giai đoạn 2016-2020, Việt Nam nhiều khả năng thoát khỏi thời kỳ suy giảm và bắt đầu vào chu kỳ phục hồi mới nhờ vào hàng loạt yếu tố hỗ trợ từ giá hàng hoá thấp, lực đẩy từ khu vực doanh nghiệp và nhu cầu bên ngoài, cùng với những cải cách thể chế sẽ phát huy hiệu quả.

Công nghiệp xây dựng sẽ là động lực chính

Khu vực công nghiệp – xây dựng là khu vực có tăng trưởng mạnh mẽ, và là động lực chính cho sự phục hồi kinh tế. Khu vực dịch vụ sẽ duy trì ở mức tăng trưởng vừa phải trong khi tăng trưởng của nông lâm thủy sản sẽ có thể tăng chậm lại trong một vài năm tới nếu như chưa thể có những giải pháp đột phá giúp giải quyết các khó khăn hiện tại.

Khu vực công nghiệp – xây dựng là động lực chính cho sự phục hồi kinh tế.Ảnh: TTXVN

Các dòng vốn đầu tư có sự tăng mạnh, đặc biệt là dòng vốn FDI do Việt Nam hoàn tất nhiều thỏa thuận đàm phán từ các hiệp định thương mại song phương, đa phương, nhất là hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP), Liên minh kinh tế Á-Âu,…

Cùng với phục hồi của nền kinh tế, đồng thời tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài và phát huy nội lực trong nước, hoạt động kinh doanh của khu vực tư nhân khởi sắc trở lại kéo theo vốn đầu tư phát triển toàn xã hội có khả năng tăng.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, gần đây sức hút về vốn FDI của Việt Nam so với một số quốc gia khác trong khu vực có phần giảm hơn so với trước. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, quá trình hội nhập sâu rộng cùng với việc cải thiệu môi trường đầu tư trong nước được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Về xuất nhập khẩu, sau một số năm tăng trưởng khá tốt, xuất khẩu của Việt Nam năm 2015 chưa đạt được mức mục tiêu 10%, trong đó có nguyên nhân từ giá dầu giảm quá thấp so mức tại thời điểm lập kế hoạch.

Kim ngạch nhập khẩu Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định và có nhiều khả năng nền kinh tế sẽ trở lại vị thế nhập siêu khi nhu cầu nhập khẩu các nguyên vật liệu, máy móc khá cao để phục vụ khu vực sản xuất khẩu. Bên cạnh đó, trong vài năm tới, khả năng các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa thể đảm bảo được nhu cầu cho sản xuất trong nước là khá cao.

Khu vực tài chính sẽ hỗ trợ khu vực doanh nghiệp

Khu vực tài chính tiền tệ ổn định, hỗ trợ mạnh cho khu vực doanh nghiệp và ổn định kinh tế vĩ mô. Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ được đẩy mạnh về chất trong giai đoạn 2016-2020.

Điểm nghẽn nợ xấu đang được quyết tâm được xử lý. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Điểm nghẽn nợ xấu đang được quyết tâm được xử lý, dòng tiền trong nền kinh tế được khơi thông. Với cam kết cuối năm 2015 đưa nợ xấu về mức dưới 3%, xử lý nợ xấu đang được Ngân hàng Nhà nước nỗ lực tìm nhiều biện pháp thực hiện. Như vậy, giai đoạn 2016-2020 vấn đề nợ xấu nhiều khả năng không còn là vật cản hay “điểm nghẽn” kinh tế nữa.

Lãi suất sẽ tiếp tục ổn định ở mức thấp, góp phần hỗ trợ mạnh mẽ cho khu vực doanh nghiệp. Sự ổn định về lạm phát, nợ xấu được xử lý sẽ là nguyên khiến lãi suất không tăng cao. Theo đó, lãi suất được dự báo là sẽ tiếp tục ổn định ở mức thấp như hiện nay.

Về hoạt động sản xuất kinh doanh, với những quy định trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi tạo môi trường kinh doanh minh bạch và thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận, mở rộng sản xuất kinh doanh và thúc đẩy thị trường xuất khẩu nếu tận dụng được lợi thế khi nhiều hiệp định thương mại được ký kết.

Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Xem thêm: Ba Kịch bản tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục