Kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV: Phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển đất nước

11:21' - 10/01/2022
BNEWS Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường, sáng 10/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, sáng 10/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Các đại biểu đều tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

Bảo đảm quản lý chặt chẽ đất đai

Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến là việc sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 1, Điều 75 Luật Đầu tư (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở).

Theo đó, dự thảo Luật quy định hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai (trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật): có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở; có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở.

Một số đại biểu cho rằng, việc sửa đổi cần bảo đảm quản lý chặt chẽ đất đai, phòng ngừa việc trục lợi chính sách; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), việc sửa đổi này sẽ mở rộng quyền cho các chủ sử dụng đất hợp pháp, giải quyết nhanh việc công nhận chủ đầu tư nhưng hậu quả có thể gây ra thất thoát.

Đại biểu phân tích, khi được công nhận chủ đầu tư và được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, người sử dụng đất chỉ cần trả tiền theo quy định của luật hiện nay là lấy giá đất quy định trong bảng giá nhân với hệ số K. “Dù có chuyển đổi đất giữa Bờ Hồ (Hà Nội) hay trên đường Nguyễn Huệ (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng chỉ 312 triệu đồng/m2. Rõ ràng, điều này sẽ gây thất thoát lớn nguồn lực của Nhà nước”, đại biểu dẫn chứng và đề nghị cân nhắc vấn đề này. Nếu sửa, phải ghi cụ thể tính tiền đất theo giá thị trường.

Đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk)  đánh giá cao việc Chính phủ nhận diện vướng mắc và đề xuất sửa đổi khoản 1, Điều 23, Luật Nhà ở. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, vấn đề này không đơn giản, cần xem xét thấu đáo, đánh giá kỹ tác động, nhất là những tiêu cực có thể xảy ra.

“Quy định trên dẫn đến chênh lệch địa tô cơ bản thuộc về chủ dự án là không hợp lý. Đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước cho phép chuyển đổi làm cho giá trị đất tăng lên rất lớn thì chênh lệch địa tô cơ bản phải thuộc Nhà nước, thuộc về nhân dân. Sửa theo hướng trên có thể giải thoát cho dự án nhưng lợi cho chủ dự án, cho người gom đất, còn Nhà nước sẽ “chảy máu” nguồn lực đất đai”, đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Ngô Trung Thành đề nghị Chính phủ nghiên cứu đánh giá tác động, xử lý cho được chênh lệch địa tô trong Luật Đất đai để tháo gỡ vướng mắc và phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển đất nước, đảm bảo hài hoà lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, người sử dụng đất.

Quy định trách nhiệm của từng chủ thể trong vận hành lưới điện

Liên quan đến việc sửa đổi Luật Điện lực, các đại biểu cho rằng, để thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó cho phép khối tư nhân tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện là cần thiết. Tuy nhiên, thể chế hóa như thế nào cho đúng và phù hợp với thực tế là vấn đề cần được cân nhắc thận trọng để đảm bảo tính hợp lý, khả thi, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Dự thảo Luật quy định: Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng lưới điện truyền tải, Nhà nước vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư, xây dựng.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), quy định như vậy là chưa rõ về mặt nội dung, chưa phân định cụ thể giữa phạm vi độc quyền và không độc quyền, có thể dẫn đến tùy tiện trong áp dụng. Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định cụ thể ba nội dung. Đó là cần phân định rõ loại lưới điện truyền tải nào các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư xây dựng, quản lý vận hành; chủng loại nào do Nhà nước quy hoạch và chỉ giao EVN thực hiện. Bên cạnh đó, quy định rõ về mặt thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà đầu tư và quy định cụ thể về trách nhiệm của từng chủ thể trong quá trình vận hành, trách nghiệm quản lý Nhà nước, trách nhiệm của doanh nghiệp được phép đầu tư.

Về an toàn của hệ thống, theo dự thảo Luật, sau khi đầu tư xây dựng, tư nhân có thể tham gia vận hành, điều này sẽ dẫn đến một thực tế là trong cùng một hệ thống sẽ có những chủ thể vận hành khác nhau. Tham khảo ý kiến của các chuyên gia cho thấy, hệ thống lưới điện truyền tải cần có sự vận hành thống nhất, đặc biệt là với trình độ quản lý của Việt Nam hiện nay, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến mất an toàn hệ thống. Vì vậy, đại biểu cho rằng cần cân nhắc, thận trọng để tránh gây ra hậu quả sau này.

Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Vũ Huy Khánh (Bình Dương) phân tích, theo quy định hiện hành, Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải hệ thống điện quốc gia. Sự độc quyền này dựa trên nhiều cơ sở, trong đó yếu tố quan trọng là đảm bảo an ninh, an toàn thông suốt của hệ thống truyền tải điện, mà sự an toàn đó tác động trực tiếp đến đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Để hiện thực hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW của Đảng, việc từng bước xã hội hóa việc truyền tải điện là cần thiết và có cơ sở thực tiễn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay, bảo đảm hiệu quả hoạt động của truyền tải điện quốc gia. Tuy nhiên, theo đại biểu Vũ Huy Khánh, việc thiết lập cơ chế để các tổ chức hoạt động điện lực ngoài Nhà nước tham gia vào khâu này đến đâu và vai trò kiểm soát, điều tiết của Nhà nước thế nào thì cần tính toán thận trọng, chắc chắn.

"Theo quy định dự thảo Luật, Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện chuyển tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước xây dựng. Quy định như vậy chưa chặt chẽ, chưa thể hiện được vai trò cần và đủ của Nhà nước trong việc kiểm soát, đảm bảo an ninh, an toàn truyền tải điện trong mọi tình huống. Do đó, tôi đề nghị quy định này chỉnh lại theo hướng Nhà nước không độc quyền nhưng có kiểm soát và thực hiện quyền vận hành truyền tải điện trong những trường hợp có nguy cơ tác động, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hệ thống truyền tải điện, kể cả công trình đó là do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng”, đại biểu Khánh chỉ rõ.

Nhiều đại biểu nhấn mạnh, do những chính sách quy định tại dự thảo Luật có tác động lớn đến cả lĩnh vực kinh tế và xã hội, vì vậy, cần báo cáo bổ sung ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của một số chính sách, ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trực tiếp; dự tính tác động tới thu ngân sách nhà nước, quyền lợi của nhà đầu tư và của người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục