Kỳ họp HĐND Hà Nội: Nhiều câu hỏi “xoáy sâu” vào vấn đề nước sạch

21:49' - 02/08/2016
BNEWS Ngày 2/8, các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã đặt nhiều câu hỏi chất vấn xung quanh vấn đề an sinh xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đề cấp nước sạch nông thôn.
Kỳ họp thứ hai, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Ảnh: An Đăng - TTXVN
Tại kỳ họp thứ 2 Hội đồng Nhân dân thành phố diễn ra ngày 2/8, các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã đặt nhiều câu hỏi chất vấn xung quanh vấn đề an sinh xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đề cấp nước sạch nông thôn. 

Đại biểu Phạm Xuân Phương (tổ Sóc Sơn) chất vấn trong khi mục tiêu của Thành phố tới năm 2020 là phấn đấu 50% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch thì ở Sóc Sơn hiện nay, chỉ có 5/26 đơn vị được hưởng nước sạch. Đại biểu đề nghị được biết lộ trình về đầu tư và nguồn lực để đạt được mục tiêu này và công khai với người dân. 

Đại biểu Hoàng Tú Anh đề nghị làm rõ thêm về 7 dự án cấp nước sạch bằng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB). Đồng thời, đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố cho biết nguyên nhân chậm tiến độ và tính khả thi để hoàn thành 3 dự án cấp nước liên xã tại các huyện Thanh Oai, Thường Tín và Chương Mỹ và dự án cấp nước liên xã tại huyện Mê Linh sau một năm thực hiện chất vấn tại Hội đồng Nhân dân thành phố hiện chưa có chuyển biến. 

Đại biểu Trần Thế Cương (tổ Bắc Từ Liêm) chất vấn giải pháp cho vấn đề mô hình quản lý sau đầu tư nước sạch nông thôn không thống nhất (theo 4 mô hình: doanh nghiệp, cộng đồng, hợp tác xã, tổ tự quản) dẫn đến giá nước sạch không thống nhất, mạnh ai người đó thu, mỗi nơi một giá. 

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, việc chuyển đổi công nghệ cấp nước, từ nước ngầm tới nước mặt còn gặp nhiều khó khăn. Đối với cấp nước nông thôn bằng nguồn nước mặt chưa có. Tổng công suất trên địa bàn là 900.000m3/ngày đêm cho khu vực dân cư tập trung, khu vực đô thị cộng thêm với 110.000 đến 150.000m3/ngày đêm mới chỉ đạt được hơn 1 triệu m3/ngày đêm. Theo quy hoạch chung, Hà Nội còn thiếu 100.000 – 120.000m3 ngày đêm. 

Phấn đấu tới năm 2020, 100% hộ dân được hưởng nước hợp vệ sinh và nước sạch, thời gian vừa qua, Thường trực Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố đã vào cuộc, rà soát 80 dự án đang vận hành và các dự án đang đầu tư dở dang, bao gồm cả nguồn đầu tư từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). 

Qua thử nghiệm thành công ở Phú Xuyên, Chương Mỹ, mô hình cấp nước nông thôn từ nay tới năm 2030 cơ bản đã tìm ra hướng giải quyết. Nếu chỉ theo phương án truyền thống sẽ không đảm bảo yêu cầu mà người dân vẫn phải sử dụng nước giếng khơi. 

Đối với các vùng như ở Sóc Sơn, nơi có nhiều vùng bị ảnh hưởng từ các bãi rác, các hộ dân trong phạm vi từ 500 - 1000m sẽ xem xét cấp nước, còn từ 0 - 500m sẽ xem xét di dời. Những khu vực cấp bách sẽ được đẩy nhanh tiến độ. 

Về giá nước sạch, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hà Nội cũng nhất trí phương án hỗ trợ đối với vùng cần hỗ trợ. Về dự toán kinh phí, trong các dự án của Ngân hàng Thế giới, dự toán của các nhà đầu tư nước ngoài thường cao hơn khoảng 30% so với trong nước. Nguồn vốn huy động rất lớn, mỗi chặng dự án cần vốn khoảng 20-30 tỷ đồng. 

Đối với vấn đề giá nước sạch không thống nhất, hiện giá lẻ là 11 nghìn đồng/m3 trong khi giá buôn chỉ khoảng hơn 5 nghìn đồng. Vì thế, cần phải tiến hành kiểm tra rà soát lại các doanh nghiệp này. 

Kết luận phần chất vấn về nội dung nước sạch nông thôn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết có 6 câu hỏi tái chất vấn. Các vấn đề này sẽ được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ thông tin thêm. 

Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố cũng cho rằng Ủy ban Nhân dân thành phố đã quan tâm, có giải pháp nhưng chưa quyết liệt, triệt để nên hiệu quả chưa cao. Đ ề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện 4 kết luận của Chủ toạ tại phiên họp trước; rà soát, thống nhất lại mô hình quản lý cho phù hợp, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực này để có kết quả tốt hơn trong lần trả lời chất vấn ở kỳ họp tiếp theo. 

Tiếp thu các ý kiến v ề vấn đề cung cấp nước sạch nông thôn , ông Nguyễn Đức Chun, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nhận trách nhiệm về phía Ủy ban Nhân dân thành phố trong việc triển khai dự án liên quan tới vốn ODA, dự án 40.000 bể nước lọc cho người dân nông thôn trong những năm qua chưa hiệu quả. 

Hiện nay thành phố đang hợp tác với đối tác nước ngoài và tiến hành thí điểm tại các hộ gia đình ở Phú Xuyên. Chỉ trong một ngày đã lắp đặt công nghệ Nano cho 60 hộ, nước sạch có thể uống ngay tại vòi. Tất cả các mẫu nước đã được gửi phân tích. Cuối tháng 8 mô hình này sẽ triển khai đại trà. Tại Hoài Đức, Quốc Oai, với công nghệ mới của Đức, chỉ cần 6-7 triệu đồng/hộ là đã có nước sạch. Còn các dự án của ADB trong những năm qua thì tốn tới 46 triệu đồng/hộ, nhưng với dự án này thì chi phí rất thấp, đảm bảo nước sạch. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chấm dứt toàn bộ các dự án đã thực hiện trong những năm qua và bàn giao lại cho công ty nước sạch. Thành phố đang quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới cấp nước cho người dân, lắp đặt mạch vòng và mạch song song để tránh tình trạng vỡ đường ống và đảm bảo cấp nước cho người dân trong mọi tình huống. Trước mắt thực hiện 3 mô hình: Tận dụng giếng nước người dân đang dùng, tận dụng mô hình cấp nước cho nhóm hộ và đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực cấp nước sạch. Về nguồn nước, phấn đấu đến năm 2020 sẽ không sử dụng nước giếng khoan mà dùng nước mặt sông Đà. 

Về vấn đề nước sạch ở Sóc Sơn được đại biểu chất vấn, thành phố đã gặp 15 doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư, sẽ đảm bảo cung cấp nguồn vốn cho doanh nghiệp qua ngân hàng, kết nối với công ty nhựa Tiền Phong để lắp đường ống, mạng lưới phân phối nước và hỗ trợ thủ tục để đẩy nhanh tiến độ các dự án, sẵn sàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp theo cơ chế vừa thiết kế vừa thi công để đẩy nhanh tiến độ các dự án ở khu vực này./ 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục