Kỳ họp Quốc hội: Thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần công khai và minh bạch

19:43' - 23/05/2017
BNEWS Cần quy định rõ những nội dung hỗ trợ “Luật hỗ trợ DNNVV sẽ được áp dụng đối với từng đối tượng, từng ngành nghề và phù hợp với từng giai đoạn để DN có cơ hội, tiếp cận phát triển.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Cần quy định rõ những nội dung hỗ trợ, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa (DNNVV) mang lại rất nhiều kỳ vọng cho doanh nghiệp, chính sách rất gần với doanh nghiệp (DN), với nhà đầu tư và phù hợp với thông lệ quốc tế …là những ý kiến được các đại biểu chia sẻ về dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, bên lề Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.

• Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An:

Cần quy định rõ những nội dung hỗ trợ “Luật hỗ trợ DNNVV sẽ được áp dụng đối với từng đối tượng, từng ngành nghề và phù hợp với từng giai đoạn để DN có cơ hội, tiếp cận phát triển.

Tiếp đến là những chính sách về thuế, DN trong quá trình chuyển đổi, trong quá trình thành lập, phát triển đều cần được điều tiết hỗ trợ về thuế. Luật hỗ trợ DNNVV là cơ hội rất tốt để hỗ trợ DN có điều kiện phát triển. Bên cạnh đó, chúng tôi quan tâm đến việc hỗ trợ mặt bằng sản xuất của DN. Trong Luật quy định, tùy theo quỹ đất của từng địa phương, UBND tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho DN. Do đó, chúng ta cần quy định rõ làm thế nào để phù hợp với DN siêu nhỏ, DNNVV và cần phù hợp với từng lĩnh vực, từng ngành.

Nếu Luật Hỗ trợ DNNVV được Quốc hội thông qua sẽ chính thức áp dụng từ ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai sẽ có rất nhiều Luật khác cần sửa đổi, điều chỉnh.

Do đó, cần có các hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan. Trong thời gian tới, các văn bản dưới Luật cũng cần được ban hành. Khi đó, Luật hỗ trợ DNNVV mới có tính khả thi và thiết thực”.

• Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn đại biểu Hà Nội:

Luật mang lại rất nhiều kỳ vọng cho doanh nghiệp “Luật Hỗ trợ DNNVV mang lại rất nhiều kỳ vọng cho DN, ví dụ như: DN sẽ được hỗ trợ tiếp cận vốn, mặt bằng, lao động, đào tạo, cách quản trị của DN, tạo ra các phương án sản xuất kinh doanh… Tuy nhiên, những mục tiêu đặt ra sẽ được thực hiện đến đâu. Điều này, còn phụ thuộc vào quá trình chúng ta cụ thể hóa những Nghị định, hướng dẫn cũng như quá trình thực thi ở các địa phương”.

Nhấn mạnh đến những điểm chồng chéo trong dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, Đại biểu Cường nói, “trong dự thảo của Luật Hỗ trợ DNNVV có nói đến những điểm nào mà trùng trong các Luật khác thì cố gắng tránh ra. Tuy nhiên, không thể không có những chồng chéo. Ví dụ: một quy định rất rõ liên quan đến chính sách miễn giảm thuế cho các DNNVV, thì việc miễn giảm thuế đó trong Luật hỗ trợ DNNVV cũng quy định được miễn giảm thuế. Nhưng việc miễn giảm thuế cụ thể như thế nào thì phải phụ thuộc vào Luật Thuế DN chứ không phải là Luật Hỗ trợ DNNVV điều chỉnh, bởi Luật Thuế DN là Luật chuyên ngành. Do đó, chắc chắn sẽ có những phần trong Luật trùng nhau thì phần trùng đó sẽ do Luật chuyên ngành điều tiết”.

• Đại biểu Trần Anh Tuấn, đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh:

Chính sách rất gần với DN, với nhà đầu tư và phù hợp với thông lệ quốc tế “Khi Luật được thông qua, từ những khoản hỗ trợ chung đến hỗ trợ mang tính đặc thù cho mọi lĩnh vực từ các hộ kinh doanh cá thể chuyển thành DN, hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ DN cụm, tham gia liên kết ngành… các DN có những điều kiện nào trong đó thì DN sẽ được hưởng những khoản hỗ trợ đó để đáp ứng được yêu cầu về nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Tôi cho rằng, đây là chính sách rất gần với DN, với nhà đầu tư và phù hợp với thông lệ quốc tế về hỗ trợ DNNVV trong nền kinh tế; đồng thời, đảm bảo môi trường thuận lợi hơn cho các DNNVV phát triển”.

Ông nói: “Luật DN hay các Luật khác mang tính chất quản lý về DN. Còn khi triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV thì cơ quan soạn thảo cũng đã nghiên cứu các Luật có liên quan trong đó có Luật DN, Luật đầu tư… Tất cả các Luật đó sẽ điều chỉnh hành vi hoạt động, điều kiện thành lập DN… Còn Luật Hỗ trợ DNNVV chuyên về các biện pháp, nội dung thủ tục, cơ chế chính sách để các DN hưởng những hỗ trợ khi thỏa mãn những điều kiện trong quy định đề ra với từng nội dung hỗ trợ.

Những nội dung nào trùng thì sẽ được áp dụng với Luật chuyên ngành.Cơ quan soạn thảo cũng đã rà soát và hạn chế tối đa sự trùng lắp trong quản lý Nhà nước về DN nói chung. Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ chuyên về hỗ trợ cho các DN hoạt động, phát triển mạnh hơn."

"Tôi cho rằng, trước khi Luật này được soạn thảo, các DN đã rất mong đợi ở phía Nhà nước có những cơ chế hỗ trợ cho DN phát triển. Những kỳ vọng của DN cũng đã được đưa vào trong Luật, để cụ thể hóa kỳ vọng của họ, Luật Hỗ trợ DNNVV được đưa ra nhằm hỗ trợ các DN có khung pháp lý để hỗ trợ cho tất cả các DNNVV đáp ứng được điều kiện. Nếu như chúng ta không có khung pháp lý như vậy, có thể, việc hỗ trợ sẽ mang tính chủ quan rất nhiều và được điều chỉnh bởi những văn bản không có đủ mạnh, không có cơ sở pháp lý cao."

"Khi chúng ta điều chỉnh bằng Luật, tức là đã Luật hóa những phương pháp hỗ trợ thì tất cả các DN sẽ thỏa mãn được điều kiện hỗ trợ ngang bằng nhau và được xem xét như nhau ở toàn quốc và các địa phương. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi quan tâm là sau khi Luật ra đời, đồng hành cùng với đó là các văn bản hướng dẫn phải có ngay để đưa Luật vào cuộc sống nhanh hơn. Bên cạnh đó, cơ quan triển khai thực hiện phải công tâm, công khai, minh bạch những thủ tục hỗ trợ khi DN đáp ứng được điều kiện thì cần có nguồn lực hỗ trợ ngay; đối với những DN nào không đáp ứng được điều kiện cũng phải giải thích và công bố một cách rõ ràng. Nếu chúng ta không công tâm, công khai thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, gây ra những bức xúc cho DN, tạo ra môi trường đầu tư không thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục