Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII: Nhóm giải pháp tạo động lực phát triển kinh tế xã hội

15:02' - 01/04/2016
BNEWS Bên lề kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII ngày 1/4, nhiều đại biểu đã chia sẻ, đánh giá về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015.
Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Bên lề kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII ngày 1/4, nhiều đại biểu đã chia sẻ, đánh giá về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020; trong đó có nhiều ý kiến cho rằng cần có hành lang pháp lý phù hợp, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, đồng thời đầu tư tập trung, tránh dàn trải, tăng tính liên kết vùng... nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội.

* Đại biểu Nguyễn Văn Thanh (đoàn Vĩnh Long): "Nên chia vùng để tập trung nguồn lực phát triển"

Đại biểu Nguyễn Văn Thanh (đoàn Vĩnh Long). Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

"Mặc dù, trong báo cáo của Chính phủ còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt, có lý do khách quan, chủ quan nhưng cũng thể hiện được tính chỉ đạo quyết liệt, có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương nên việc thực hiện cũng khá thành công; nhiều kết quả đạt tốt; đặc biệt là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế; an sinh xã hội. Trong báo cáo cũng đánh giá những tồn tại rất khách quan, rõ ràng, đó là những điều kiện cũng như tiền đề để thực hiện nhiệm vụ mới.

Tôi đặc biệt quan tâm đến các chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp và chăm lo đời sống của người dân. Tiếp đến là quản lý lưu vực của sông Mê kông và khai thác có tiềm năng, lợi thế của từng vùng; trong đó, có vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong thời gian tới, ngoài những giải pháp chung, cần có những giải pháp có mục tiêu, có trọng điểm, phải đồng bộ, chia từng sản phẩm theo quản lý ngành, quản lý của địa phương. Ví dụ như: trong lĩnh vực nông nghiệp nên chia từng vùng.

Đồng bằng sông Cửu Long, thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, với diện tích chỉ chiếm khoảng 30% diện tích sản xuất nông nghiệp cả nước nhưng đã đóng góp gần 60-70% sản lượng thủy sản và giá trị xuất khẩu rất cao. Tiềm năng, khả năng của vùng rất nhiều nhưng tiềm lực đầu tư trong 5 năm vừa qua chỉ chiếm khoảng 17% trong tổng ngân sách.

Chính vì thế, nên chia vùng để tập trung nguồn lực và có sự chỉ đạo, phối hợp cao hơn từ các bộ, ngành. Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư cũng cần được chia theo vùng cho phù hợp; nếu chỉ có nguồn lực tại chỗ và nguồn từ ngân sách thì địa phương cũng không thể phát triển, khó khai thác hết được tiềm năng và khả năng.

Ngoài ra, một giải pháp hết sức quan trọng là phải cải cách hành chính mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi, minh bạch hóa tất cả các hoạt động hành chính…"

* Đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau): "Quan tâm nhiều hơn đến liên kết vùng"

Đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau). Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

“Để tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới, tôi cũng rất đồng tình với 8 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đưa ra. Tuy nhiên, theo tôi, Chính phủ ngoài việc đẩy mạnh đầu tư, tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi để thúc đẩy kinh tế nên quan tâm nhiều hơn đến liên kết vùng.

Việc này Chính phủ không chỉ tập trung cho 2 Thành phố Hồ Chính Minh và Hà Nội, mà cần tập trung tới các tỉnh lân cận. Có như vậy, từ động lực của 2 thành phố này, các khu vực khác, các tỉnh khác mới làm tốt được. Như vậy, kinh tế của đất nước mới phát triển được. Nếu chỉ tập trung riêng cho 2 thành phố này, sẽ khó có thể kéo được nền kinh tế phát triển đồng đều”.

* Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng): "Xây dựng pháp luật để trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội"

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng). Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

“Thời gian qua, Chính phủ cũng đã tập trung thực hiện các đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Đặc biệt, việc xây dựng pháp luật và triển khai pháp luật đã đi vào cuộc sống và trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, việc xây dựng pháp luật vẫn còn nhiều việc phải làm. Đây là những vấn đề đặt ra cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Một trong những việc cần làm trong nhiệm kỳ khóa XIV là phải tập trung đôn đốc và giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn của Chính phủ đối với việc thi hành luật mà ở đây cụ thể là các Nghị định của Chính phủ; phải hướng dẫn một số điều đã được quy định trong luật để đi vào cuộc sống. Cần hạn chế tối đa các bộ, các ngành ban hành thông tư để hướng dẫn thi hành luật.

Khi luật đã quy định rất rõ có bao nhiêu điều Chính phủ được phép giải thích và chỉ được giải thích trong những điều đã được ghi trong luật thì Chính phủ phải ban hành Nghị định để giải thích vấn đề này và Chính phủ không được phép ủy quyền tiếp cho các Bộ, các ngành lại ra thông tư hướng dẫn Nghị định, điều này là không được phép. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa tới, Quốc hội cần tập trung giải quyết những vấn đề này”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục