Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII: Doanh nghiệp phải tự khẳng định mình khi hội nhập

14:55' - 30/03/2016
BNEWS Tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp khi hội nhập; hoàn thiện hành lang pháp lý và cần giải quyết những tồn tại để tạo ra động lực kinh tế… là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội chia sẻ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng/TTXVN

*Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo, đoàn đại biểu Vĩnh Phúc: Doanh nghiệp cần biết đang ở đâu, có lợi thế gì khi hội nhập.

Thời gian qua, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định liên quan đến phát triển kinh tế xã hội một cách sâu rộng, đây là tiền đề tốt với một nền kinh tế. Những hiệp định này không phá vỡ các hiệp định trước đã ký mà sẽ là thế hệ mới, đòi hỏi có các chính sách sâu rộng và vĩ mô hơn.

“Do đó, doanh nghiệp cần cập nhật, phát huy lợi thế sẵn có của mình, khi hội nhập phải biết mình mạnh ở điểm gì, yếu ở điểm gì để phát triển nền kinh tế. Đấy là điều quan trọng nhất trong hội nhập”, ông Bảo nói.

Ông Bảo cho rằng, tất cả các doanh nghiệp khi phát triển đều đặt kinh tế tri thức, khoa học công nghệ lên hàng đầu. Chúng ta muốn phát triển nhanh, đốt cháy giai đoạn thì không thể đi theo đường mòn được, buộc các doanh nghiệp cũng như các nhà quản lý kinh tế phải có tư duy mới trong hội nhập thì mới khắc phục được.

“Hội nhập không có nghĩa là người ta làm gì mình làm vậy, mà nghĩa là có sân chơi rộng và chúng ta phải tìm được ra cái mạnh nhất trong cái mình có”, ông Bảo nhấn mạnh.

Theo ông Bảo, khi mở cửa sâu rộng, người tiêu dùng có quyền lựa chọn nên không thể áp đặt với họ được. Người tiêu dùng sẵn sàng chọn sản phẩm tốt và rẻ, đấy là lựa chọn của người tiêu dùng và chúng ta đang đi theo quy chế kinh tế thị trường. Đây là sự cạnh tranh để mang lại lợi nhuận, hiệu quả cho người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp trong nước phải phát triển làm sao để cạnh tranh được hàng hóa của nước ngoài khi hội nhập. Đó là tư duy buộc các doanh nghiệp phải thay đổi. Khi hội nhập, các doanh nghiệp phải cạnh tranh một cách bình đẳng, bằng cách đưa ra hàng chất lượng tốt và rẻ.

“Một trong những vấn đề khi doanh nghiệp hội nhập cần quan tâm nhiều là đầu tư vào khoa học để phát triển. Thực tế đây là sức ép, đòn bẩy buộc doanh nghiệp dù nhỏ đến mấy nhưng khi bước vào sân chơi thì cũng phải tự đứng lên, khẳng định mình, và không còn con đường nào khác”, ông Bảo khẳng định.

Ông Cao Sĩ Kiêm, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. Ảnh: TTXVN

*Đại biểu Cao Sỹ Kiêm, đoàn đại biểu Thái Bình: Cần tạo ra động lực kinh tế và lòng tin trong dân.

“Khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, theo tôi những thách thức của chúng ta là khoảng cách so với thế giới còn quá xa. Tiếp đến là vấn đề giải quyết những tồn tại khó khăn, kể cả về mặt nhân lực, hạ tầng, thể chế… đồng thời, về mặt nhận thức tư tưởng, bộ máy con người, hay cách chỉ đạo, quản lý còn chưa được nhanh và chưa đáp ứng được yêu cầu với xu hướng thế giới”, ông Kiêm nói.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, có những tồn tại cần giải quyết những bức xúc trước mắt, ví dụ như: vấn đề về tham nhũng, về trật tự xã hội, về môi trường, về an toàn vệ sinh thực phẩm… Những vấn đề này, đang kéo dần nền kinh tế của Việt Nam xuống. Và khả năng để phát huy, khai thác thuận lợi của thế giới còn đang bị hạn chế bởi những điều này.

“Nếu chúng ta không tích cực nâng cao nhận thức cho người dân, các cấp, các ngành kể cả về luật pháp, hành pháp cũng như việc doanh nghiệp cần chuẩn bị một cách đầy đủ, tích cực, phối hợp một cách đồng bộ thì có lẽ là chúng ta đang quá chậm. Nếu càng chậm trong tiến trình hội nhập, thì sự rủi ro và tụt hậu của chúng ta sẽ là tất yếu”, ông Kiêm chia sẻ.

Ông Kiêm cho rằng, trong việc điều hành những năm tới cần chú ý đến tuyên truyền, giáo dục, truyền bá kiến thức, nâng cao nhận thức và chuẩn bị đội ngũ cán bộ cũng như là áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chuẩn bị nhân sự để đáp ứng với hội nhập quốc tế hiện nay. Đặc biệt đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, là những doanh nghiệp yếu thế nhất và có sự chuẩn bị còn sơ sài nhất, thì ngoài việc tự bản thân họ phải trang bị thì cũng cần các hiệp hội, ngành nghề cùng góp sức.

Các doanh nghiệp này cần phải có sự giúp đỡ, hỗ trợ của nhà nước vào những vấn đề cốt lõi, cơ bản là nhà nước cần phải làm ngay để cho doanh nghiệp, vượt qua được những khó khăn trước mắt./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục