Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Lùi thời điểm cải cách tiền lương

18:52' - 19/10/2021
BNEWS Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết, Trung ương đã quyết định lùi cải cách tiền lương do một số điều kiện cần thiết chưa đạt được.

Chiều 19/10, tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, Kỳ họp thứ 2 sẽ khai mạc vào ngày 20/10/2021, bế mạc vào ngày 13/11/2021. Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 2 đợt.

Đợt 1: Họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (11 ngày, từ ngày 20 - 30/10/2021).

Quốc hội làm việc 2 ngày thứ Bảy, 1 ngày Chủ nhật. Đại biểu Quốc hội ở địa phương nào sẽ tham dự ở điểm cầu tại địa phương đó; đại biểu Quốc hội công tác tại các cơ quan Trung ương (bao gồm cả Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) tham dự tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Đợt 2: Họp tập trung tại Nhà Quốc hội (6 ngày, từ ngày 8 - 13/11/2021). Quốc hội làm việc 1 ngày thứ Bảy.

Ngoài ra, dự phòng phương án nếu dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc phải họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí Đợt 2 liền mạch với Đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung thời gian cho công tác phòng, chống dịch.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp), xem xét, cho ý kiến đối với 5 dự án luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Tại cuộc họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, đại diện lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội đã trả lời các câu hỏi phóng viên, báo chí quan tâm.

Liên quan đến việc rút ngắn thời gian của Kỳ họp thứ 2, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, dù kỳ họp thứ 2 diễn ra 17 ngày, không dài so với các kỳ họp thường kỳ cuối năm (thông thường 25- 27 ngày), nhưng vẫn bảo đảm chất lượng.

Bởi lẽ, nếu như trước đây, các vấn đề kinh tế - xã hội 5 năm đều được thông qua tại kỳ họp cuối năm, thì tại khóa XV đã đưa nội dung này vào kỳ họp thứ Nhất để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết XIII của Đảng.

"Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi đã chuẩn bị từ sớm, từ xa, tăng cường nhiều hội nghị chuyên đề, đóng góp ý kiến, làm cho chất lượng, nội dung dự án luật, nghị quyết trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội ngày càng tốt hơn, từ đó có sự đồng thuận cao hơn.

Sắp tới, chúng tôi cũng tăng cường hoạt động của các đại biểu Quốc hội chuyên trách, để sao cho khi trình trước Quốc hội chỉ xem xét quyết định những vấn đề lớn, còn những nội dung mang tính kỹ thuật văn bản, nội dung câu chữ, các đại biểu Quốc hội chuyên trách phải rà soát. Như vậy chất lượng sẽ vẫn cao và thời gian kỳ họp ngày càng giảm”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

Ông Cường thông tin thêm, tới đây, sẽ báo cáo Quốc hội để tổ chức kỳ họp chuyên đề vào cuối năm, giải quyết kịp thời các vấn đề thực tiễn đặt ra. Những nội dung Chính phủ chuẩn bị chưa chín, chưa kỹ sẽ được chuẩn bị tiếp để trình Quốc hội tại kỳ họp chuyên đề; chú trọng việc sử dụng chuyên gia, các tổ tư vấn, nhằm có thêm thông tin, ý kiến tham mưu, thực hiện tốt nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Một trong những nội dung được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này là tình hình kinh tế - xã hội và phân bổ ngân sách, trong đó có vấn đề lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 Trung ương 7, khóa XII mà Trung ương 4, khóa XIII đã kết luận.

Liên quan đến nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chỉ rõ, dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến kinh tế – xã hội của đất nước, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh, đời sống người dân; phải chi rất nhiều ngân sách cho công tác phòng, chống dịch như: mua kit xét nghiệm, mua vaccine, thiết bị y tế, chi cho lực lượng tuyến đầu, cán bộ cơ sở.

Nhấn mạnh việc tăng lương theo lộ trình đặt ra tại Nghị quyết 27 là cần thiết, song ông Bùi Văn Cường cho rằng, năm 2021 hết sức cố gắng thì tăng trưởng cũng chỉ đạt trên 3%.

"Nguồn lực dành cho an sinh xã hội, chăm lo cho người dân cần hơn. Cán bộ, công chức, viên chức sẵn sàng đồng thuận theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XIII là lùi thực hiện chính sách cải cách tiền lương đến thời điểm thích hợp”, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định.

Ông Cường cho biết thêm, thời điểm cải cách tiền lương sẽ giao Chính phủ, các cơ quan liên quan, Quốc hội xem xét rồi báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định. Tuy nhiên, Trung ương xác định các nhóm thu nhập thấp sẽ được ưu tiên. Theo đó, lương hưu của những người về hưu trước năm 1995 sẽ xem xét trước.

Trả lời thêm về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết, vừa rồi Trung ương đã quyết định lùi cải cách tiền lương đến thời điểm nào thích hợp sẽ làm. Thời gian qua, các cơ quan đã chuẩn bị rất kỹ các nguồn lực để cải cách tiền lương như: cơ cấu thu chi ngân sách để đảm bảo nguồn thu bền vững, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng trong sử dụng ngân sách Nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản, quyết liệt thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế... nhưng một số điều kiện cần thiết để đáp ứng yêu cầu cải cách tiền lương chưa đạt được.

Hiện tại, nguồn lực quốc gia gần như đầu tư hoàn toàn cho phòng, chống dịch COVID-19. Một số địa phương đề nghị cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương để phòng, chống dịch.

“Cả nước đang thắt lưng buộc bụng dành nguồn lực cho chống dịch. Chỉ đạo của Trung ương lùi thời điểm cải cách tiền lương là phù hợp bởi lẽ các điều kiện cần và đủ chuẩn bị chưa đáp ứng được”, Phó Chủ nhiệm Đặng Thuần Phong phân tích.

Giải đáp thắc mắc của báo chí về kết quả thẩm tra việc áp dụng, triển khai thực hiện Nghị quyết 30 Quốc hội khi đặc cách trao những quyền đặc biệt cho Chính phủ trong phòng, chống dịch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong đánh giá, Chính phủ đã chủ động, linh hoạt áp dụng biện pháp phòng, chống COVID-19, mang lại hiệu quả tốt như mong muốn của toàn dân.

Tuy nhiên, cũng có nhiều hệ lụy từ việc này do áp dụng những quy định khác luật hoặc không đúng quy định của pháp luật. "Trong đó có cái kịp thời, có cái chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, có cái ảnh hưởng tới quyền con người, quyền công dân nên cũng tạo sự phản ứng nhất định trong xã hội”, ông Phong cho biết.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhận định, các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương để giải quyết vướng mắc ở địa phương vẫn chậm, chưa kịp thời, khiến nhiều nơi có cách hiểu, cách làm khác nhau, gây bức xúc xã hội. Đặc biệt, còn tình trạng văn bản hướng dẫn ở một số địa phương chưa được rà soát thận trọng nên còn sai sót, phải đính chính, thu hồi, sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Bên cạnh đó, việc phân cấp cho địa phương chưa chặt chẽ, thiếu cơ chế kiểm soát nên mỗi địa phương quy định một kiểu, áp dụng pháp luật không nhất quán.

Từ bất cập này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, cần rà soát, đánh giá lại việc ban hành các văn bản trong quá trình chống dịch. Ông cũng cho hay, Chính phủ đã nhận diện rõ nguyên nhân và xác định các giải pháp khắc phục những bất cập đã nêu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục