Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khoá XIV: Cần kiểm soát đầu tư công để phát huy tối đa hiệu quả

18:53' - 24/05/2017
BNEWS Kiểm soát nợ công là vấn đề rất cấp bách; dành nguồn lực cho các đầu tư khác để tăng trưởng; tập trung tối đa việc giải ngân theo đúng kế hoạch đề ra…

Đó là những ý kiến được các đại biểu chia sẻ bên lề Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIV về giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Tp. Hồ Chí Minh): Kiểm soát các khoản đầu tư công để phát huy hiệu quả

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Thận trọng khi thúc đẩy xã hội hóa các lĩnh vực sự nghiệp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

“Nợ công hiện nay chiếm 65% GDP. Như chúng ta thấy, nợ công đang dưới mức trần nhưng ở mức cao, đặc biệt là tỷ lệ trả nợ hàng năm của Chính phủ cũng như khoản đảo nợ của Chính phủ hàng năm cũng liên tục gia tăng. Do đó, việc kiểm soát nợ công trở nên vấn đề rất cấp bách. Cụ thể, Quốc hội đã có Luật đầu tư công, Luật đầu tư quản lý vốn Nhà nước từ các doanh nghiệp (DN) nhằm mục tiêu sử dụng hiệu quả các nguồn vốn trong đầu tư công.

Tuy nhiên, gần đây báo chí có đưa những dự án đầu tư thua lỗ kéo dài. Do đó, chúng ta cần rà soát lại chủ trương đầu tư, từ các quyết định đầu tư tại sao dẫn đến những sai lầm như vậy. Và chúng ta cần cương quyết giải thể các dự án thua lỗ kéo dài bởi nếu chúng ta có bù đắp hay khôi phục thì năng lực cạnh tranh cũng rất yếu. Cho nên, chúng ta cần dành nguồn lực cho các đầu tư khác để tăng trưởng.

Năm 2016 đã kết thúc và nợ công cũng tiếp tục gia tăng lên. Chúng ta đang chờ kết quả báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước nhưng chắc chắn nợ công cũng nằm ở mức sát trần. Do đó, Chính phủ phải quyết tâm cắt giảm các khoản chi không cần thiết, những khoản chi không hiệu quả.

Cụ thể, theo Luật Ngân sách Nhà nước mới và Quốc hội cũng đã thông qua mức bội chi ngân sách hàng năm hiện nay nằm ở dưới 4%, phấn đấu dưới 3,5% GDP và kiểm soát trần nợ công ở mức là mức 65% GDP.

Tôi nghĩ mức trần nợ công không quan trọng bằng cách kiểm soát khoản đầu tư công để làm sao phát huy được hiệu quả. Đầu tư công phải mang tính chất dẫn dắt và định hướng để giúp cho kinh tế tăng trưởng và. Do đó, Chính phủ rất quyết tâm trong năm nay dù khó khăn nhưng chúng ta phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 6,7% GDP".

Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn đại biểu Tp. Hồ Chí Minh): Tập trung tối đa việc giải ngân theo đúng kế hoạch đề ra.

Ông Trần Anh Tuấn, Đại biểu Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

"Trước mắt, mục tiêu ngắn hạn là chúng ta cần tập trung tối đa việc giải ngân một cách tốt nhất theo đúng kế hoạch đề ra. Hiện nay, vốn là động lực quan trọng để tác động vào tăng trưởng kinh tế. Nếu chúng ta đưa ra kế hoạch thì chúng ta cần thực hiện đúng giải ngân lượng vốn đầu tư để đảm bảo tăng trưởng 6,7%.

Tôi cũng cho rằng, nếu chúng ta không giải ngân hay thực hiện đúng tiến độ thì sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng rất nhiều.

Cho nên hiện nay, Chính phủ cũng đã đánh giá kết quả giải ngân của các dự án từ ODA đến các dự án sử dụng ngân sách, kể cả những dự án huy động nguồn lực xã hội có chậm hơn so với tiến độ thì chúng ta cần kiên quyết khắc phục, đẩy nhanh đưa lượng vốn vào trong các dự án đầu tư kịp thời, đúng tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, tránh lãng phí thất thoát. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%.

Ngoài ra, chúng ta còn nhiều giải pháp khác liên quan như tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng thể chế khi ban hành những quyết định, quyết sách. Những nghị quyết, quyết sách này phải đi vào thực tiễn, điều chỉnh được thực tiễn.

Bên cạnh đó, chất lượng của thể chế, chúng ta phải nâng lên để đóng góp và nâng cao tỷ trọng các nhân tố tổng hợp trong phát triển kinh tế ngoài yếu tố vốn và lao động nhằm đảm bảo tính bền vững của phát triển"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục