Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng

20:12' - 16/11/2017
BNEWS Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan đến hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng đã đăng đàn, trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội liên quan đến hai nhóm vấn đề: Việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tăng trưởng tín dụng hợp lý; hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu

Là người đầu tiên đặt câu hỏi cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) cho rằng, Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được ban hành nhưng trong triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị Thống đốc đưa ra các giải pháp để xử lý nợ xấu thời gian tới.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Về nội dung này, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết Nghị quyết 42 là khuôn khổ pháp lý quan trọng, hữu ích cho các tổ chức tín dụng trong việc đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu. Nghị quyết mới có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những triển khai cụ thể, rà soát, chỉ đạo quyết liệt, bám sát việc triển khai của các tổ chức tín dụng.

Với một số nợ xấu liên quan đến các vụ án mà các cơ quan chức năng đang điều tra, xử lý và kê biên, kiện tài sản, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam VAMC tiếp tục báo cáo các cơ quan chức năng trên cơ sở từng vụ việc cụ thể.

Nếu các cơ quan chức năng đã có kết luận và đồng ý, mới có thể nhận các tài sản đang được kê biên trong các vụ án để tiến hành xử lý. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các tổ chức tín dụng phải tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Về một số khoản nợ xấu hồ sơ pháp lý không đầy đủ, liên quan đến các tài sản đảm bảo bằng bất động sản, có hồ sơ, giấy tờ đất đai, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo việc hoàn thiện các giấy tờ pháp lý cho các tài sản đảm bảo, đặc biệt về bất động sản là vấn đề được ưu tiên.

Các tổ chức tín dụng cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cấp chính quyền địa phương, Tòa án, cơ quan thi hành án các cấp, trên cơ sở các tài sản xử lý qua các vụ việc là những tài sản đã được nhận, bàn giao, để có thể xử lý trong thời gian sớm nhất.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình) về giải pháp để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong các hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng thời gian qua; đồng thời khẳng định Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1058/QĐ-TTg về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Trên cơ sở Quyết định 1058, Nghị quyết 42/2017/QH14, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thuộc hệ thống ngân hàng nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để triển khai Quyết định 1058, trong đó nhấn mạnh các nhóm giải pháp căn bản: Hoàn thiện văn bản pháp luật khung khổ pháp lý; tăng cường năng lực tài chính, năng lực điều hành các ngân hàng trong tăng vốn, tăng cường năng lực quản lý điều hành tại từng ngân hàng; đẩy nhanh xử lý nợ xấu; tập trung thanh tra, giám sát, phát hiện sớm những rủi ro trong quá trình hoạt động... C

ùng đó là các giải pháp hỗ trợ, thành lập Ban chỉ đạo xử lý nợ xấu; giải pháp phát triển thị trường vốn đáp ứng vốn cho nền kinh tế... Thực hiện quyết liệt những giải pháp này là căn cơ để đảm bảo sức khỏe an toàn của các ngân hàng thời gian tới, Thống đốc nêu rõ.

Đảm bảo mục tiêu và chất lượng tăng trưởng tín dụng

Về tăng trưởng tín dụng, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đưa ra con số tăng trưởng tín dụng 10 tháng chỉ đạt 13,6%, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 18%. Từ đó, đại biểu Tuyết đặt vấn đề, trong thời gian ngắn từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước có những giải pháp gì để đạt mức tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng tín dụng sẽ góp phần cho tăng trưởng GDP như thế nào?

Trả lời về vấn đề này, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xây dựng kịch bản điều hành cho năm 2017 là tín dụng tăng trưởng ở mức khoảng 18% và có điều chỉnh một cách linh hoạt tùy theo diễn biến kinh tế vĩ mô.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng cho đến cuối tháng 10 là 13,66% (cao hơn khoảng 1% so với cùng kỳ năm 2016).

"Tốc độ này chưa có gì là đột biến và hiện nay quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước là tăng trưởng tín dụng phải đi kèm với đảm bảo về chất lượng, hiệu quả tín dụng và quan trọng là tín dụng phải đưa vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh" - Thống đốc Lê Minh Hưng phân tích.

Về cơ cấu tín dụng, trong 10 tháng đầu năm, tín dụng đã tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên theo đúng chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, tức là tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn; lĩnh vực xuất khẩu; doanh nghiệp vừa và nhỏ... Đây là những lĩnh vực tạo động lực cho tăng trưởng.

Với sự điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm được đảm bảo tiếp tục tăng, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế; đồng thời không gây các tác động bất lợi cho kinh tế vĩ mô. Quan trọng nhất là Ngân hàng Nhà nước vẫn giám sát chặt chẽ hiệu quả tín dụng, bảo đảm phục vụ phát triển kinh tế.

"Giải pháp của Ngân hàng Nhà nước từ nay đến cuối năm sẽ là đạt mức tăng trưởng như định hướng; đồng thời kiểm soát được chất lượng tín dụng" - Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

Tạo niềm tin của người dân và doanh nghiệp

Trả lời vấn đề các đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh), Lê Công Nhường (Bình Định) đặt ra là Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì để huy động số lượng lớn vàng, ngoại tệ đang có trong dân, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định giải pháp căn cơ nhất, bền vững nhất, đó là Chính phủ, các bộ, ngành kiên định mục tiêu điều hành để ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao giá trị của đồng Việt Nam, qua đó tạo lập được lòng tin của người dân và doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó người dân sẽ không bỏ vốn đầu tư, quản lý tài sản, tài chính bằng vàng, ngoại tệ mà chuyển đổi sang đồng Việt Nam để có thể gửi tiền tiết kiệm hoặc trực tiếp đầu tư trên thị trường chứng khoán, trực tiếp đầu tư kinh doanh. Việc này cần phải có thời điểm, lộ trình để có những giải pháp tự chuyển hóa những nguồn lực quan trọng.

Theo Thống đốc, trước đây Việt Nam tốn nhiều ngoại tệ nhập khẩu vàng, để thị trường có tác động gây bất ổn. Nhiều năm qua thị trường này ổn định, không mất ngoại tệ nhập vàng. Thị trường đang tự điều tiết. Như vậy đã chuyển hóa một phần nguồn lực lớn từ vàng sang nền kinh tế.

Ngoại tệ cũng là nguồn lực rất quan trọng. Vừa qua áp dụng trần lãi suất huy động ngoại tệ là 0%, nguồn lực đó thực tế chuyển hóa qua Việt Nam đồng. Thị trường ngoại hối hiện có tỷ giá ổn định, mua được lượng lớn ngoại tệ từ người dân bán cho các tổ chức tín dụng.

Đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) về các giải pháp để thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt, Thống đốc Lê Minh Hưng thông tin: Cuối năm 2016, Thủ tướng đã ký Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra kế hoạch hành động áp dụng cho tất cả các đơn vị của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng.

Theo Thống đốc, muốn đẩy nhanh tiến trình thanh toán không dùng tiền mặt, phải khắc phục được tâm lý và thói quen sử dụng tiền mặt, bởi hiện nay khuôn khổ pháp lý vẫn cho phép việc huy động tiền mặt đối với các hoạt động giao dịch lớn, kể cả trong lĩnh vực bất động sản.

Đó là điểm bất cập mà Quốc hội cần xem xét để có cơ sở pháp lý khuyến khích sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo xây dựng hệ thống công nghệ thông tin kết nối cho phép ứng dụng các tính năng bảo mật cao hơn, bảo đảm an toàn an ninh trong hệ thống thanh toán; đưa ra các giải pháp khuyến khích thanh toán thẻ, ứng dụng các công nghệ thanh toán ở các điểm trên internet, các phương tiện thanh toán mới, bảo đảm tiết kiệm chi phí và thời gian thực hiện nhanh hơn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các tổ chức tín dụng, khách hàng nắm bắt được những tiện ích sử dụng được công nghệ thanh toán

Thống đốc dẫn chứng: Tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt/tỷ trọng thanh toán tiền mặt trên nền kinh tế đã giảm rất mạnh, tăng khoảng 10% so với trước. So với năm 2016, việc thanh toán áp dụng các công nghệ, như internet mobile và các điểm chấp nhận thẻ đã tăng mạnh so với năm 2015. Với việc đẩy mạnh xây dựng Đề án thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, kết quả trong thời gian tới sẽ tốt hơn.

Trong thanh toán ở khu vực công, đã có gần 50 ngân hàng kết nối với kho bạc các cấp trên địa bàn toàn quốc, kho bạc của 63 tỉnh, thành phố để thanh toán điện tử. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng tạo điều kiện cho các ngân hàng kết nối với các tổ chức cung ứng dịch vụ công, để có thể cung ứng dịch vụ công cấp độ 4 (cung ứng dịch vụ và thanh toán trực tuyến). Đây là các giải pháp đã được triển khai trong thời gian qua và sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong tương lai để tăng cường việc thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Sáng 17/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội đặt ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục