Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận, quyết sách nhiều vấn đề kinh tế quan trọng

17:10' - 15/06/2018
BNEWS Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, Quốc hội đã thảo luận và thông qua các Nghị quyết, Dự án Luật liên quan đến kinh tế - xã hội được đông đảo cử tri cả nước quan tâm.

Đặc biệt, nhiều vấn đề nổi cộm được các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn các thành viên Chính phủ và tranh luận rất sôi nổi.

Đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018, nhiều đại biểu cho rằng có nhiều tín hiệu vui từ các chỉ số kinh tế đã đạt được.

Quang cảnh bế mạc Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV . Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh) nhận định, quý I/2018, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, GDP đạt tới 7,38%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua; trong đó vốn đóng góp đạt trên 40% vào tốc độ tăng trưởng. Điều đó có nghĩa chúng ta đã huy động được vốn đầu tư xã hội từ 3 khu vực: Nhà nước, dân doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, khu vực có vốn Nhà nước đã có sự cải tiến hơn so với các năm trước, dù giải ngân chậm so với kế hoạch đề ra.

Liên quan đến vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đại biểu Trần Hoàng Ngân, cho rằng: "Cần phải chuyển hướng theo hướng ưu tiên cho 4 tiêu chí: Đó là "xanh", tức là phải đảm bảo môi trường bởi thực tế sau sự cố môi trường biển Formosa đã cho chúng ta nhiều bài học quan trọng.

Tiếp đến là "sạch", tức là lý lịch doanh nghiệp phải sạch, làm ăn minh bạch, chống chuyển giá, gian lận thuế...; "chất lượng" với yêu cầu đảm bảo công nghệ cao, công nghiệp 4.0 và công nghệ đó phải là những thiết bị hiện đại cũng như "tính lan toả" bởi sự phát triển của doanh nghiệp FDI phải kéo theo hàng loạt doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước".

Đánh giá hoạt động ngành nông nghiệp những tháng đầu năm tại Kỳ họp này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp phục hồi sau thiên tai liên tục tăng, năm 2017 toàn ngành tăng được 2,9% và 4 tháng đầu năm 2018 tốc độ tăng trưởng được 4,05%, đây là tốc độ cao nhất từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, xuất khẩu nông sản liên tục tăng. Đến nay, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu tới 180 nước tới những thị trường rất khó tính như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ và tốc độ hàng nông sản của Việt Nam đang tăng ở những thị trường này.

Đồng thời, các nhóm sản phẩm quốc gia bao gồm trên 10 mặt hàng có giá trị từ 1 tỷ đô la trở lên; nhóm sản phẩm cấp tỉnh và nhóm sản phẩm cấp làng, xã đang cơ cấu theo hướng tổ chức lại theo chuỗi đưa công nghệ cao vào, đang đi đúng hướng và trên một số sản phẩm...

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận Dự thảo Luật Chăn nuôi. Đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng, việc ra đời Luật Chăn nuôi không chỉ đáp ứng được sự mong đợi của các cơ quan quản lý và người chăn nuôi, với hành lang pháp lý khá đầy đủ mà còn là cơ sở tổ chức lại ngành chăn nuôi theo chuỗi liên kết hiện đại, chuyên nghiệp và gắn với thị trường.

Tuy nhiên, quy định cụ thể trong dự thảo luật hiện vẫn đang làm khó cho người chăn nuôi. Đây sẽ là cản trở cho phát triển ngành, nếu không có những giải pháp cụ thể và đồng bộ. Do đó, Luật này cần phải chỉnh sửa lại cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về quy hoạch, theo đại biểu Phạm Văn Tuân (Đoàn Thái Bình) nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch.

Để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, đây sẽ là giải pháp quan trọng để tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính loại bỏ những giấy tờ, giấy phép trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, bảo đảm công khai minh bạch, thông thoáng và hiệu quả hơn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Đại biểu Phạm Văn Tuân cũng đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc bãi bỏ các quy định liên quan đến quy hoạch như quy hoạch điện lực cấp quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy hoạch tổng thể về bảo đảm an toàn thực phẩm, quy hoạch về phát triển công nghiệp dược, quy hoạch về tổng thể phát triển tổ chức ngành nghề, công chứng, v.v...

Với lĩnh vực công thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong những năm vừa qua phát triển xuất khẩu của Việt Nam đã đi theo đúng định hướng, đặc biệt là theo chiến lược phát triển bền vững của xuất khẩu.

Cụ thể, cơ cấu hàng xuất khẩu đã có những sự chuyển biến tích cực theo đúng định hướng, giảm thiểu xuất khẩu các sản phẩm thô sơ của các ngành khoáng sản và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như các sản phẩm của nông sản thủy sản, những ngành kinh tế trọng điểm đã được cải thiện nâng cao.

Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu đã có sự cải thiện rất đáng kể với quan hệ thương mại và sản phẩm của Việt Nam đã có mặt tại trên 200 quốc gia và các nền kinh tế trên thế giới. Đặc biệt, 9 nhóm ngành hàng lớn của ngành nông nghiệp đã khẳng định được vị thế tại tất cả những thị trường lớn của thế giới với kim ngạch nhiều tỷ đô la.

Riêng các sản phẩm có kim ngạch trên 1 tỷ đô la đã đạt tới 28 ngành hàng và trên 5 tỷ đô la thì có tới 8 ngành hàng. Điều đó cho thấy để đảm bảo được năng lực của nền sản xuất và kinh tế của Việt Nam thì chiến lược hội nhập và tham gia hội nhập quốc tế đã phát triển đúng định hướng và kịp thời.

Liên quan đến 12 dự án thua lỗ của ngành công thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, với mục tiêu đến hết năm 2018 sẽ xử lý cơ bản xong những vấn đề tồn tại lớn của 12 dự án này và đến năm 2020 sẽ giải quyết tồn đọng của tất cả dự án. Đồng thời, có những biện pháp, giải pháp để ngăn chặn việc hình thành hoặc xuất hiện những dự án thua lỗ mới trong tương lai. Đến nay, trong số 12 dự án này có 6 dự án đã dừng sản xuất hoặc sản xuất kinh doanh không có hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành chất vấn 4 nhóm vấn đề đối với Bộ trưởng các Bộ: Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo. Các Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, trưởng ngành khác đã tham gia báo cáo, giải trình rõ thêm những vấn đề liên quan đến nội dung chất vấn.

Đặc biệt, các vấn đề "nóng" liên quan đến dự án giao thông BOT gây bức xúc trong dư luận và nhân dân được các đại biểu rất quan tâm và chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Đánh giá về phần trả lời của "tư lệnh" ngành giao thông, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, vấn đề "nóng" nhất liên quan đến các dự án BOT được các đại biểu đặt câu hỏi lại không nhiều bằng các đại biểu tranh luận lại sau khi Bộ trưởng trả lời. Bởi câu trả lời của Bộ trưởng liên quan đến các dự án BOT chưa thoả mãn các câu hỏi mà nhiều đại biểu đặt ra.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng: "Nếu như Bộ trưởng trả lời thẳng vào vấn đề như chỉ ra những yếu kém trong việc lựa chọn nhà đầu tư, yếu kém trong việc thẩm định các dự án đó, cũng như xác định vị trí đặt trạm thu phí BOT, cũng như những dự án nào cần BOT và sự tham gia của các bên, đặc biệt là người dân... thì các đại biểu cũng như cử tri cả nước sẽ hài lòng hơn.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017 và tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2018. Những kết quả đạt được trong thời gian qua sẽ tạo đà để hoàn thành kế hoạch năm 2018 - năm bản lề trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Bên cạnh đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016; trong đó, yêu cầu Chính phủ tăng cường chỉ đạo, có giải pháp tích cực để khắc phục những hạn chế, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý vốn đầu tư, nợ công và bội chi ngân sách, bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục