Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV: Trạm thu giá được gọi theo quy định của luật?

18:55' - 23/05/2018
BNEWS Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, nếu luật đã quy định là thu giá thì phải gọi là thu giá chứ không thể gọi là thu phí như trước.

Liên quan đến việc Bộ Giao thông Vận tải nêu lý do của việc đổi tên gọi các trạm thu phí BOT sang tên gọi trạm thu giá BOT gây nhiều tranh luận và hiểu nhầm.

Bên lề kỳ họp Quốc hội, phóng viên TTXVN đã ghi nhận các ý kiến của một số Đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Đoàn Sóc Trăng): Tên gọi trạm thu giá được luật quy định

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Đoàn Sóc Trăng). Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Quy định của Luật Giá đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực cần phải được tôn trọng. Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã quy định phí BOT giờ chuyển sang gọi là thu giá dịch vụ BOT.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, nếu luật đã quy định là thu giá thì phải gọi là thu giá chứ không thể gọi là thu phí như trước. Việc quay lại bắt bẻ với nhau về ý nghĩa từ ngữ theo Từ điển Tiếng Việt định nghĩa cũng rất khó.

Ông nói: “Với tư cách là người xây dựng luật, theo tôi, Luật Giá có thể chưa bao hàm hết được 100% vấn đề của xã hội nhưng ít nhất nó cũng bao quát được 85-90%, trong quá trình thực hiện, chúng ta sẽ có điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Vì 5 năm một lần các cơ quan chức năng đều có đánh giá lại quá trình thi hành một luật nào đó và Luật Giá cũng vậy".

“Suy cho cùng trạm thu phí hay thu giá cũng chỉ là tên gọi thôi, ví dụ như chúng ta quen gọi là phí giường nằm ở bệnh viện nhưng thực tế nếu đúng chúng ta phải là giá giường nằm một ngày đêm. Hay đi vào khách sạn thì phải gọi là giá phòng khách sạn chứ không thể nói là phí phòng khách sạn…”, đại biểu Nguyễn Đức Kiên minh họa.

Nói về thực trạng của các dự án BOT, ông Nguyễn Đức Kiên cho hay, hiện nay các dự án BOT đều được công bố công khai, dự án nào làm sai phạm có lồng lợi ích cá nhân vào đó đã được các cơ quan như Thanh tra Chính phủ chỉ ra để xử lý.

Còn những dự án nào thực hiện đúng các văn bản quy định pháp luật ở thời điểm nhà đầu tư đó triển khai thì cần phải được tôn trọng.

Đại biểu Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai): Dùng tên gọi trạm thu phí BOT là hợp lý

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai). Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Theo đại biểu Dương Trung Quốc, nếu xác định con đường BOT thuộc sở hữu của doanh nghiệp đã bỏ tiền ra đầu tư thì khi đó dùng khái niệm thu giá là chính xác. Tuy nhiên, con đường BOT không phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp đã bỏ tiền đầu tư.

Do đó, phải dùng tên gọi là trạm thu phí. Bởi khi đó nhà đầu tư chỉ có quyền thu lại những giá trị mà doanh nghiệp đã đầu tư vào con đường đó theo một bài toán kinh tế hợp lý nhất cho các bên.

Doanh nghiệp BOT không thể bán những thứ họ không sở hữu. Ở đây doanh nghiệp BOT chỉ thu phí để thu hồi những khoản đầu tư mà doanh nghiệp đã bỏ ra theo một thời gian nhất định đảm bảo doanh nghiệp đó có một lợi nhuận hợp lý mà thôi.

“Còn nếu dùng là thu giá, khi đó sẽ được viện dẫn là nhà của tôi, đường của tôi, nhà đầu tư đó có toàn quyền quyết định giá thì sẽ có nhiều bất cập. Vấn đề ở đây là nhà đầu tư chỉ bỏ một số vốn nhất định để đầu tư vào con đường nâng cấp nó lên thì chỉ được thu một phần lợi nhuận trong đó. Như vậy, chỉ coi là thu phí chứ không thể coi là thu giá được”, đại biểu Dương Trung Quốc phân tích.

Ở một khía cạnh khác, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, nếu để nhà đầu tư có quyền tự tăng, giảm giá thì sẽ dẫn đến một xu thế là nhà đầu tư thường chỉ tăng giá để nhanh chóng thu hồi vốn. Tuy nhiên, về mặt điều tiết, nhà nước có trách nhiệm phải điều tiết về tăng giảm phí để đảm bảo phù hợp với thực tiễn; trong đó có lợi ích của những người tham gia giao thông.

Bình luận về nguyên nhân căng thẳng tại các trạm BOT thời gian vừa qua, đại biểu Dương Trung Quốc chỉ ra là do vẫn thiếu công khai, minh bạch tại các dự án này.

“Trong một lần đi công tác Hòa Bình, bà con phản ánh là cứ công khai cho bà con biết là đầu tư bao nhiêu tiền, ngày thu được bao nhiêu, thu bao nhiêu lâu, chi những khoản nào… thì người dân sẽ ủng hộ. Tại sao chúng ta không công khai những thông tin này lên một bảng điện tử tại các trạm thu phí để nhân dân biết và giám sát…Nếu làm được như vậy thì sẽ rất minh bạch”, đại biểu Dương Trung Quốc chia sẻ.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, về phía cơ quan quản lý nhà nước cần phải coi việc ứng dụng công nghệ trong thu phí là một điều kiện kiên quyết để góp phần minh bạch trong công tác thu phí.

Về mặt công nghệ thì hiện nay khoa học phát triển sẽ không còn có rào cản nào để thực hiện thu phí điện tử tự động không dừng.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhà đầu tư đưa ra hết lý do này đến lý do để chậm triển khai. Đây phải chăng là kẽ hở thuận lợi nhất để tiêu cực xảy ra.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục