Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Nam Định: “Nóng” những vấn đề từ thực tiễn

19:16' - 06/07/2018
BNEWS Ngày 6/7, Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Nam Định khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 “nóng” với phần chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường.
Nông dân một số nơi tại Nam Định không thiết tha với ruộng đồng, diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang tăng cao những năm gần đây. Ảnh minh họa: TTXVN

Nhiều vấn đề liên quan đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc, giáo dục trẻ, đời sống dân sinh được các đại biểu “mổ xẻ” tìm giải pháp để Nam Định phát triển bền vững…

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Lê Thị Thúy Nhài, huyện Giao Thủy nêu vấn đề, dù đã có quy định trong phân cấp quản lý cụ thể nhưng thực tế vẫn tồn tại tình trạng nhiều nhóm lớp, cơ sở giáo dục mầm non tư thục hoạt động không phép, chưa đảm bảo các điều kiện nuôi dạy trẻ khiến các bậc phụ huynh lo lắng.

Giải đáp về vấn đề này, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định lý giải, dù đã được tỉnh ưu tiên, quan tâm đầu tư song các cơ sở giáo dục nói chung, giáo dục mầm non nói riêng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy và học.

Vì vậy, tỉnh đã có chủ trương xã hội hóa giáo dục, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư vào giáo dục.

Thời gian qua, 4 trường mầm non tư thục đã đi vào hoạt động giúp giảm tải cho các cơ sở giáo dục công lập; đồng thời, đáp ứng nhu cầu chăm sóc trẻ của nhân dân.

Tuy nhiên, vẫn còn có cơ sở giáo dục mầm non, chủ yếu là các nhóm lớp tư thục trông giữ trẻ từ 5-10 trẻ tại gia đình hoạt động không đúng quy định. Qua kiểm tra, một số nhóm lớp mầm non tư thục chưa đáp ứng các điều kiện về diện tích, chăm sóc, nuôi dưỡng, trang thiết bị theo quy định.

Ông Cao Xuân Hùng cho biết, để chấn chính tình trạng này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định đã ban hành nhiều văn bản về việc tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục mầm non tư thục.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành phố, UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra tình hình hoạt động của các cơ sở mầm mon tư thục trên địa bàn, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định trong việc tổ chức giáo dục, nuôi dạy trẻ.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng, huyện Ý Yên phản ánh ý kiến của cử tri về việc số lượng học sinh có xu hướng tăng dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên ở các cơ sở giáo dục mầm non trong những năm gần đây do không được bổ sung chỉ tiêu biên chế, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Về vấn đề này, ông Vũ Văn Rung, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định thông tin, Nam Định hiện có 262 trường mầm non công lập với gần 4.000 lớp. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để đáp ứng quy mô số trẻ ra lớp, Nam Định còn thiếu gần 3.000 giáo viên và nhân viên của các trường mầm non.

Nam Định đã báo cáo với Bộ Nội vụ từ năm 2015 đến nay về việc xin thêm chỉ tiêu biên chế nhưng theo tinh thần của Trung ương chủ trương số giáo viên thiếu, địa phương tự cân đối biên chế đã được giao ổn định từ năm 2015.

Trong bối cảnh đó, Sở Nội vụ đang xây dựng phương án báo cáo UBND, HĐND tỉnh xem xét phương án ký hợp đồng bổ sung đối với giáo viên mầm non còn thiếu để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên tinh thần cân đối kinh phí từ nguồn của địa phương hoặc xã hội hóa.

Đối với nhân viên kế toán, y tế còn thiếu tại các trường mầm non có thể giao cho nhân viên làm công tác này tại các trường tiểu học hoặc cán bộ trạm y tế địa phương đảm nhận. Cùng với đó, Nam Định đang xây dựng kế hoạch rà soát, sắp xếp lại hệ thống các trường học, trong đó có các trường mầm non nhằm giảm cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, tiết kiệm kinh phí…

Trước vấn đề nông dân một số nơi tại Nam Định không thiết tha với ruộng đồng, diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang tăng cao những năm gần đây được các đại biểu đề cập, ông Nguyễn Doãn Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, vụ Xuân năm 2018 diện tích ruộng bỏ hoang không gieo cấy tại các địa phương lên tới 1.057 ha, tăng 134 ha so với vụ Xuân năm 2017.

Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp với sự phát triển mạnh của các làng nghề, khu, cụm công nghiệp ở nông thôn. Một số diện tích sản xuất nhỏ lẻ không hiệu quả, chi phí đầu tư tăng, giá nông sản không ổn định…

Để khai thác thế mạnh nông nghiệp của tỉnh, thời gian tới Nam Định tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng cánh đồng lớn, có chính sách khuyến khích, ưu đãi kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Đặc biệt là hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm giúp nông dân yên tâm gắn bó với đồng ruộng…

Phát biểu tại kỳ họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị khẳng định: Để tạo "đột phá" trong phát triển kinh tế, thời gian tới, Nam Định tập trung cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2016 - 2020.

Tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các dự án trọng điểm như: Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cầu Thịnh Long (Hải Hậu); các dự án xây dựng hạ tầng đô thị, khu dân cư tập trung các huyện tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố hoàn thành xây dựng đề án và tổ chức thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường thanh kiểm tra thực thi công vụ, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ công chức vi phạm, gây phiền hà người dân, doanh nghiệp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ./.

Xem thêm:

>>Khắc phục xong vị trí sụt lún tại cầu Tân Phong (Nam Định)

>>Chuyện chàng trai gieo hạt “ngọc trời”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục