Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV: Xây dựng kịch bản đối phó biến động kinh tế thế giới

16:35' - 22/05/2019
BNEWS Mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 có thể đạt được bởi các kết quả đáng ghi nhận trong Quý I năm 2019.

Ngày 22/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Đa số các đại biểu cho rằng, kết quả đạt được trong năm 2018 là tín hiệu tốt; đồng thời đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ. Bên hành lang Quốc hội, phóng viên TTXVN đã ghi lại những ý kiến đánh giá của các đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

* Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh): Chính phủ đang điều hành nền kinh tế một cách hợp lý

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN
Có thể nói, tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 đạt mức cao nhất kể từ năm 2008 tới nay, như vậy, quá trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam triển khai từ năm 2012 tới nay có dấu hiệu tích cực, chất lượng tăng trưởng tốt. Ví dụ như công nghiệp khai khoáng trước kia đóng góp cho GDP chiếm tỷ trọng nhiều thì hiện đang giảm dần, hoặc đóng góp của ngành công nghiệp chế biến chế tạo vào GDP trước chỉ đạt 14% thì nay đã tăng lên 16%. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm đáng kể... Đó là đóng góp về chất lượng tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, chỉ số đo lường năng lực cạnh tranh toàn cầu đang ở hạng 77/140, mặc dù tụt 3 hạng nhưng điểm đo lường ổn định kinh tế vĩ mô tăng lên hạng 64. Chỉ số lạm phát được kiểm soát trong suốt 5 năm qua và hiện đang ở mức khoảng 4%. Dự trữ ngoại hối đủ mạnh để can thiệp khi có biến động...

Về thu chi ngân sách nhà nước, báo cáo về kết quả bội chi ngân sách nhà nước năm 2018 giảm từ trên 200.000 tỷ đồng xuống còn 191.000 tỷ đồng; đặc biệt, bội chi trên GDP còn 3,46% trong khi kế hoạch là 3,7%. Với việc vừa tăng trưởng vừa giảm bội chi nên nợ công cũng giảm xuống còn 58,4% GDP. Đó là thành tựu tôi không nghĩ sẽ đạt được. Vì năm 2016, nợ công là 63,7%, trong khi dư địa khống chế của Quốc hội là 65% GDP.

Có thể nói rằng, để đạt được kết quả như vậy Chính phủ luôn kiên định với mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô chứ không chạy theo đà tăng trưởng.

Tuy nhiên, cũng phải lưu ý đến bối cảnh kinh tế thế giới. Cụ thể như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc; xung đột Mỹ - Iran; Brexit... Việt Nam đang có độ mở kinh tế ở Top 5 thế giới vì kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 480 tỷ USD. Với những tác động tình hình kinh tế thế giới hiện nay và thương mại thế giới đang suy giảm nên chắc chắn kinh tế Việt Nam bị tác động.

Do đó, tôi cho rằng cần phải xây dựng kịch bản đối phó với những biến động của kinh tế thế giới, đây là bài toán đặt ra. Đơn cử, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc diễn ra từ giữa năm 2018. Việc này, Việt Nam vừa có lợi nhưng cũng có thách thức. Hiện nay, đối với Mỹ, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào nước này đạt 47,5 tỷ USD, nhưng ngược lại Việt Nam cũng nhập khẩu 12,8 tỷ USD, xuất siêu vào Mỹ hơn 34 tỷ USD. Con số này không ngừng tăng lên nhưng lại rơi vào danh sách Mỹ quan tâm đến nước nào xuất siêu vào Mỹ. Như vậy Mỹ cũng quan tâm tới Việt Nam chứ không chỉ có Trung Quốc.

Bên cạnh đó, xung đột giữa Mỹ và Iran sẽ tác động đến giá dầu và Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Cụ thể, cách đây đúng 1 năm, giá dầu thế giới lên tới 70 USD/thùng. Đầu năm 2019, giá dầu thô chỉ khoảng 42 USD/thùng, hiện đã lên 62 USD/thùng, như vậy giá dầu thô và giá xăng dầu đã tăng trên 30%. Và chúng ta buộc phải điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo tín hiệu thị trường, việc này sẽ tác động tới CPI. Do đó, Chính phủ cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng hơn nữa giữa giá xăng dầu và giá điện.

Nhưng điều quan trọng hơn là  hiệu ứng domino (phản ứng chuỗi) từ việc giá xăng dầu tăng, điều chỉnh giá điện tăng 8,36% sẽ dẫn đến giá các mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng, từ đó tạo ra tâm lý trong vấn đề về lạm phát. Về việc này, tôi cho rằng người dân không phải quá lo lắng, bởi Chính phủ đang điều hành nền kinh tế một cách hợp lý.

*Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Thúc đẩy phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN
Tôi cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 hoàn toàn có thể đạt được. Bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quý I năm 2019 vẫn đạt 6,79%, đây là mức thấp hơn so với Quý I năm 2018 nhưng lại cao hơn tất cả các Quý I của cả chục năm trước đây. Như vậy đây là con số đáng ghi nhận.

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được đánh giá phụ thuộc vào ngành công nghiệp chế tạo, chế biến và đặc biệt là công nghiệp điện tử. Có thể thấy, năm 2018, công nghiệp điện tử tăng rất nhanh đạt 26%, nhưng Quý I năm 2019, ngành điện tử chỉ tăng 1,9% và vẫn đóng góp vào sự tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế. Như vậy, có thể thấy, sự suy giảm của ngành công nghiệp điện tử cũng không làm sụt giảm đến tăng trưởng GDP.

Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang có chiều hướng gia tăng và có yếu tố có lợi cho ngành công nghiệp điện tử. Mặc dù, ngành này chưa đưa ra được các sản phẩm mới nhưng có thể nhờ sự hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngành này vẫn phải tiếp tục duy trì.

Với những yếu tố đó, tôi cho rằng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 chưa có gì đáng lo ngại. Điều cần quan tâm hơn chính là động lực tăng trưởng dài hạn, làm thế nào để có sự bứt phá.

Hiện nay, Chính phủ đang lấy doanh nghiệp tư nhân làm trụ cột cho tăng trưởng, nhưng nếu chỉ dựa vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa cộng với việc "sức khoẻ" của các doanh nghiệp này không ổn định; đồng thời việc có nhiều doanh nghiệp ra đời thì cũng có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa. Vấn đề này cũng rất khó để kỳ vọng vào sự tăng trưởng bứt phá.

Trong báo cáo về kinh tế - xã hội của Chính phủ, tôi rất ấn tượng với câu: "Chúng ta phải tạo ra môi trường và khuyến khích để tập trung vào phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân". Tôi cho rằng, đây là mấu chốt của vấn đề, bởi phát triển kinh tế tư nhân không có nghĩa phát triển quá nhiều các doanh nghiệp nhỏ, không có sức cạnh tranh cao. Mà cần phải dựa vào các tập đoàn mạnh, vì chính các tập đoàn này sẽ tạo ra được một "chỗ đứng" thông qua các hoạt động sản xuất kinh doanh ở chuỗi cung ứng trong chuỗi giá trị, khi đó mới có thể tạo ra phần sản phẩm của Việt Nam. Từ đó, tránh được tình trạng như hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân nhưng lại không có những tập đoàn lớn trong lĩnh vực sản xuất và vẫn chỉ tham gia vào một khâu (gia công) mang lại giá trị gia tăng quá thấp. Như vậy rất khó để có sự tăng trưởng bứt phá vượt bậc.

Tóm lại, phát triển kinh tế tư nhân nhưng phải hướng tới thúc đẩy sự phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân./.

Thành Trung - Ngọc Quỳnh (Thực hiện)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục