Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Ngăn chặn hành vi biến tướng làm ảnh hưởng đến kết quả đấu giá

19:05' - 21/05/2024
BNEWS Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

 

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 21/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

*Khái quát quy định về tiêu chuẩn đấu giá viên

Liên quan tới quy định về tiêu chuẩn đấu giá viên, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đánh giá, dự thảo Luật đã bổ sung tương đối cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy, về điều kiện, tiêu chuẩn để tham gia lớp học đào tạo đấu giá viên, dự thảo Luật quy định 7 nhóm ngành, nghề. Theo đại biểu, nên quy định khái quát hơn về nội dung này.

Về tập sự hành nghề đấu giá, đại biểu cho biết, khoản 4 Điều 13 của dự thảo Luật quy định, người tập sự được tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá, tuy nhiên lại chưa quy định về cơ quan tổ chức việc kiểm tra tập sự. Do đó, đại biểu cho rằng quy định trên là không cần thiết, chỉ cần quy định buộc phải tập sự, sau thời gian tập sự người tập sự được người hướng dẫn tập sự xác nhận và tổ chức hành nghề đấu giá xác nhận đạt yêu cầu để đảm bảo về khả năng hành nghề đấu giá.

Cùng đóng góp ý kiến về nội dung này, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với đấu giá viên. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần sửa đổi, bổ sung một số điểm của khoản 2 Điều 42, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá. Theo đó, nghiên cứu, bổ sung vào cuối điểm a khoản 2 Điều 42 nội dung: Sau khi đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá công bố kết thúc cuộc đấu giá thì không giải quyết mọi khiếu nại liên quan đến trả giá. Bởi trên thực tế có nhiều trường hợp, một thời gian sau khi cuộc đấu giá kết thúc mới có phát sinh đơn khiếu nại về trả giá. Tuy nhiên, tại cuộc đấu giá đã lập biên bản diễn biến cuộc đấu giá và kết luận đấu giá thành công nên không thể thụ lý, giải quyết sau đó nữa.

Quan tâm đến nội dung về tài sản đấu giá quy định tại khoản 1 Điều 4, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đề nghị bổ sung thêm một nội dung vào điều khoản này, đó là bổ sung biển số xe ô tô vào danh mục tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật. Lý giải cho đề xuất này, đại biểu phân tích: Biển số xe ô tô là tài sản phải bán thông qua đấu giá theo Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô. Nghị quyết này chỉ được thực hiện thí điểm trong ba năm.

Theo đại biểu, việc đấu giá biển số xe trong thời gian vừa qua đang được thực hiện với những kết quả nhất định. Vì vậy, sau khi Nghị quyết này hết hiệu lực, biển số xe ô tô cũng cần tiếp tục được đấu giá theo quy định của pháp luật. Nếu đưa nội dung trên vào dự thảo Luật sửa đổi lần này sẽ đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật.

*Bảo đảm cao nhất chất lượng của dự thảo Luật

Ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở các ý kiến, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra sẽ tiếp thu, giải trình, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo và dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng cao nhất để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.

 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đánh giá cao quá trình phối hợp tiếp thu, xin ý kiến nhiều vòng, bảo đảm chất lượng; ghi nhận các chính sách lớn đã được chỉnh lý, tiếp thu; thống nhất với phạm vi điều chỉnh để xử lý, bất cập, vướng mắc. Quy định về trình tự, thủ tục tại dự thảo Luật đã rõ ràng, công khai minh bạch hơn, bảo đảm hiệu quả công tác đấu giá tài sản trong thời gian tới.

Giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, Luật Đấu giá tài sản quy định về thủ tục chung mà các luật chuyên ngành quy định tài sản phải đưa ra đấu giá. Đối với ý kiến một số đại biểu đề nghị quy định về tín chỉ carbon hay tài sản số, các luật chuyên ngành sẽ quy định. Luật Đấu giá tài sản sẽ quy định về quy trình đấu giá tín chỉ carbon.

Về vấn đề quyền, nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá tài sản…, các cơ quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, quy định rút gọn đối tượng tham gia đấu giá, bảo đảm ngăn chặn hành vi thông đồng, móc nối, biến tướng làm ảnh hưởng đến kết quả cuộc đấu giá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục