Bên lề Quốc hội: Đưa trợ lực chính sách đến “trúng đích”

17:06' - 21/05/2024
BNEWS Bên lề Quốc hội ngày 21/5, phóng viên TTXVN đã trao đổi với đại biểu Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về các giải pháp để các trợ lực chính sách phát huy hiệu quả.

Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 để góp phần phục hồi nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như người dân vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội chỉ ra, việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, có một số mục tiêu chưa đạt yêu cầu, nhất là việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%. Để nguồn hỗ trợ đến "trúng đích" cũng là một trong những nội dung được nhiều cử tri quan tâm.

Bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV ngày 21/5, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về vấn đề này.

 

Phóng viên: Gói hỗ trợ lãi suất 2% là kỳ vọng rất lớn của Nghị quyết 43 nhưng kết quả thực hiện lại chưa như mong muốn, đại biểu đánh giá ra sao về vấn đề này?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Gói hỗ trợ lãi suất 2% được kỳ vọng rất lớn với mong muốn hỗ trợ khoảng 40.000 tỷ đồng thì sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng tín dụng được đưa vào nền kinh tế để phục hồi. Tuy nhiên, kết quả thực hiện rất thấp, hầu như không đáng kể.

Nguyên nhân chính ở đây là do việc hỗ trợ 2% lãi suất cho các đối tượng doanh nghiệp kèm điều kiện phải có khả năng phục hồi. Tuy nhiên, qua giai đoạn dịch bệnh, khả năng phục hồi trong ngắn hạn của nhiều doanh nghiệp chưa thể thấy rõ, đặc biệt là những doanh nghiệp này còn đang vướng vào các nguồn vốn vay cũ chưa được hoàn trả. Chính vì vậy, điều kiện để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay này cũng không cao. Hơn nữa, mức lãi suất mới chỉ được hỗ trợ 2% nhưng các thủ tục, đặc biệt là về thanh, kiểm tra cũng như "hậu kiểm" quá trình giải ngân cũng khiến nhiều doanh nghiệp e ngại. Do vậy, cả điều kiện tiếp cận và nhu cầu tiếp cận đều hạn chế khiến kết quả cho vay thấp.

Đối với hỗ trợ lãi suất cho các lĩnh vực cần ưu tiên phục hồi thì việc giải ngân cơ bản của những dự án đã được thực hiện cơ chế đặc thù (ví dụ như là chỉ định thầu, cho phép khai thác mỏ vật liệu mà không cần phải xin phép) có tốc độ giải ngân khá tốt. Tuy nhiên, có nhiều dự án khác không phải thuộc các lĩnh vực trọng điểm, ví dụ các lĩnh vực y tế, giáo dục, đầu tư mua sắm… thì vẫn còn vướng thủ tục hành chính.

Do vậy, đến thời điểm thực hiện giám sát vẫn có nhiều nguồn vốn hầu như chưa được giải ngân, mới đang nằm trong giai đoạn thẩm tra dự án để hoàn thiện thủ tục. Khi hoàn thiện thủ tục xong mới được giải ngân. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải xem lại những quy định mang tính chất thủ tục cho các dự án đầu tư đang còn kéo dài.

Hầu hết vướng mắc tập trung chủ yếu ở những dự án mua sắm, lĩnh vực đầu tư cho y tế, giáo dục, nhất là khi liên quan đến các yếu tố định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá trang thiết bị chưa có quy định cụ thể. Trong khi đó, quyền quyết định lại chưa được trao cho những cơ quan đầu tư đó. Vì vậy, xảy ra tình trạng "đẩy" trách nhiệm, chờ hỏi ý kiến các cơ quan, bộ ngành. Do đó, thời gian chuẩn bị thủ tục đầu tư bị kéo dài.

Phóng viên: Đại biểu nhận định ra sao khi việc phân bổ nguồn vốn này chậm, kéo dài với nhiều lần thay đổi đề xuất, điều chỉnh và cần có giải pháp gì để những trợ lực này đến "trúng đích"?

 

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Nguyên nhân khách quan của việc thay đổi là thời gian triển khai gói hỗ trợ rất ngắn với nhiều lĩnh vực cần hỗ trợ nhưng trước đây chưa có quá trình chuẩn bị kỹ. Khi bước đầu phân bổ thì các dự án không phân bổ được nguồn vốn. Do vậy lại phải tìm hướng để thay đổi sang lĩnh vực khác, đặc biệt là hướng tiếp cận theo việc hòa giữa nguồn vốn của Nghị quyết 43 với nguồn vốn đầu tư công để sử dụng ngay những dự án đã được phê duyệt.

Đây là cách xử lý khá linh hoạt. Tuy nhiên, điều này lại cho thấy chúng ta chuẩn bị sẵn các chương trình, dự án đầu tư vẫn còn chậm. Do đó, chương trình đã có vốn rồi nhưng lại không có các dự án đủ điều kiện để phân bổ vốn bởi quá trình triển khai chậm.

Rõ ràng gói hỗ trợ lãi suất 2% cho tới thời điểm này là không khả thi. Mà đã không khả thi thì phải thay đổi chứ không nên tiếp tục giữ. Chúng ta cần xem những chương trình đã hỗ trợ có hiệu quả hay không. Ví dụ như những gói hỗ trợ mang tính chất trực tiếp thì thường có hiệu quả hơn. Điển hình như chính sách miễn giảm các loại thuế, phí, nghĩa vụ đóng góp… sẽ đến trực tiếp ngay với đối tượng được hưởng thụ.

Hiện chúng ta có một dư địa khá tốt về tài khóa. Do vậy, cần tiếp tục thực hiện chính sách "tài khóa ngược", thông qua việc tiếp tục duy trì giảm các loại thuế, phí, nghĩa vụ đóng góp cho những đối tượng đang gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, nguồn ngân sách dự tính dành cho gói 40.000 tỷ đồng nên chuyển sang chương trình hỗ trợ theo các mục tiêu rõ ràng. Điển hình như trước đây chúng ta có những gói hỗ trợ như cho vay để xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, dành hẳn quỹ tiền đó ra và chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Gói hỗ trợ này được ngân hàng hoàn thành rất sớm, đúng đối tượng, mang lại hiệu quả cao. Những phương thức thực hiện như thế sẽ thể hiện rất rõ mục tiêu và đối tượng hỗ trợ, nhanh chóng đi "trúng đích".

Hiện nay có rất nhiều ngành, lĩnh vực cần tiếp tục hỗ trợ. Điển hình là hỗ trợ nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Tôi cho rằng đây cũng là tác nhân để hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Hoặc là hỗ trợ cho các chương trình chuyển đổi như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hoặc chương trình tiếp cận thu hút nhà đầu tư mới như đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực, chuẩn bị yếu tố để đón nhận nhà đầu tư về ngành công nghiệp bán dẫn…

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục