Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Giảm 46% số lượng đội quản lý thị trường trên cả nước

19:13' - 06/11/2019
BNEWS Chiều 6/11, tiếp tục chương trình chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đăng đàn và giải đáp nhiều vấn đề đại biểu quan tâm liên quan lĩnh vực công thương.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Nhiều vấn đề đại biểu quan tâm liên quan lĩnh vực công thương như các biện pháp chống gian lận thương mại, lợi dụng xuất xứ sản phẩm Việt Nam; cũng như vấn đề về tổ chức lại bộ máy của lực lượng quản lý thị trường.

* Giảm 46% số lượng đội quản lý thị trường

Tại hội trường, đại biểu Đôn Tuấn Phong (An Giang) đặt vấn đề: "Thời gian qua, Bộ đã tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường, xin hỏi hiệu lực, hiệu quả trong thời gian qua như nào, có thực sự giúp tinh gọn bộ máy hay không?".

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, việc tổ chức lại bộ máy của lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn cả nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các nghị định về việc xây dựng tổ chức bộ máy lực lượng quản lý thị trường theo hệ thống ngành dọc.

Hai năm qua, Bộ đã nghiêm túc triển khai tích cực và quyết liệt. Sau khi có quyết định thành lập Tổng cục Quản lý thị trường tròn một năm, Bộ Công Thương đã chính thức xây dựng xong tổ chức bộ máy của Tổng cục theo hướng chính quy, tinh nhuệ, đồng thời thu gọn đầu mối và tinh giản bộ máy.

Tính đến nay, đã giảm được 164 đội quản lý thị trường trong tổng số hơn 600 đội quản lý thị trường trên địa bàn cả nước. Đến hết năm 2019 và năm 2020, Bộ sẽ tiếp tục giảm 140 đội quản lý thị trường. "Như vậy, chúng ta đã giảm số lượng đội quản lý thị trường tới hơn 46% và đồng thời cũng ngay trong năm 2019, chúng tôi đang lập dự án và sẽ tiếp tục thành lập 19 Cục Quản lý thị trường liên tỉnh. Như vậy có nghĩa là không phải tỉnh nào cũng sẽ có lực lượng quản lý thị trường, lập Cục Quản lý thị trường, mà sẽ có những cục liên tỉnh" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Đánh giá về kết quả của quá trình sắp xếp lại bộ máy, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Việc chúng ta tiếp tục tinh gọn bộ máy không đi ngược lại với yêu cầu phải tiếp tục chính quy hóa và tăng cường hơn nữa năng lực của lực lượng quản lý thị trường, nhất là trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại".

* Ngăn chặn tình trạng hàng nước ngoài đội lốt hàng Việt

Đầu phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chiều 6/11, đại biểu Phương Thị Thanh (đoàn Bắc Kạn) nêu tình trạng lợi dụng nhãn mác Việt Nam để xuất khẩu ra nước khác dù được cảnh báo từ lâu nhưng vẫn chậm được xử lý. Đại biểu đặt câu hỏi: “Nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này ra sao?”.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Phương Thị Thanh chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, chúng ta đã hội nhập sâu với thế giới. Thông qua hàng loạt hiệp định thương mại đã ký kết, các ưu đãi thuế quan xuất khẩu sang thị trường quốc gia đối tác giúp chúng ta có lợi thế về thị trường so với các quốc gia khác. Các hiệp định đa phương, song phương đã ký kết giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm khi sang nước khác. Tuy nhiên, xuất hiện tình trạng sản phẩm đội lốt xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất sang các thị trường đối tác.

"Từ năm 2016, 2017, Bộ Công Thương và Chính phủ đã nhận thức rõ thách thức, nguy cơ về vấn đề này. Sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể, giao Tổng cục Hải quan tiếp tục giám sát chặt chẽ, không cho phép lợi dụng xuất xứ Việt Nam khi tham gia thương mại thế giới" - Bộ trưởng nhấn mạnh; đồng thời cho biết thực tế vừa qua có doanh nghiệp đầu tư xuất khẩu nhôm tại Bà Rịa–Vũng Tàu đã sử dụng nguyên liệu nhôm nung, nhôm nguyên liệu khác để có xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu đi nước ngoài. Ngay thời điểm nhận thông tin, Bộ Công Thương đã tổ chức các đoàn kiểm tra đến làm việc với doanh nghiệp này, báo cáo với các cấp, ban, ngành.

Bên cạnh sản phẩm nhôm này cũng có một số sản phẩm khác có hiện tượng lợi dụng xuất xứ Việt Nam như thiết bị điện tử, máy tính, dệt may, da giày, gỗ dán, sản phẩm gỗ...  Những sản xuất này có dấu hiệu gian lận thương mại, truyền tải bất hợp pháp, lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, EU, đã được phát hiện. Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành để xử lý vấn đề này.

Đặc biệt, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm quản lý xuất khẩu hàng hóa, sử dụng xuất xứ hàng hóa đã phối hợp chặt chẽ chống lại hành vi này. Vừa qua, Chính phủ đã có đề án ngăn ngừa gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa, trong đó đề ra 5 nhóm nhiệm vụ chính đã được giao cho các cơ quan chức năng. Bộ trưởng khẳng định, hiện nay có thể nói, chúng ta không chậm trễ, gây tổn hại, ảnh hưởng đến quan hệ với đối tác.

"Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quyết định 824 phê duyệt Đề án phòng vệ thương mại, tập trung đấu tranh với hành động gian lận xuất xứ hàng hóa và gian lận thương mại nói chung, nhằm đấu tranh có hiệu quả với hoạt động sử dụng, gian lận xuất xứ hàng Việt Nam cũng như chuyển tải đầu tư bất hợp pháp" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm./.

Xem thêm:

>>Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV: Quản lý thị trường đã "tấn công" vào những điểm nóng

>>Bên lề Quốc hội: Nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp từ kinh tế số

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục