Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XIV: Tăng trưởng kinh tế song hành cùng ổn định vĩ mô

16:56' - 29/07/2016
BNEWS Mức tiêu tăng trưởng GDP ở mức 7,6% năm 2016 được đánh giá là khó khả thi nhất là trong bối cảnh không thể nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong 6 tháng cuối năm.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, năm 2016 GDP tăng trưởng 6,7%, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,52%, thấp hơn so với mức tăng 6,32% cùng kỳ năm trước. Để đạt mức tăng trưởng cả năm theo mục tiêu đề ra, 6 tháng cuối năm GDP phải tăng xấp xỉ 7,6%.

Bên lề Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XIV, phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu về quyết tâm của Chính phủ trong điều hành để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng.

Đại biểu Lê Quân (Đoàn Hà Nội): Kiểm soát tốt hơn trước các biến động

Đánh giá kinh tế 6 tháng đầu năm nên nhìn nhận vào thực chất hơn nữa và có tính hệ thống để có giải pháp tốt hơn.

Ví dụ, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm và bộc lộ nhiều hạn chế cần được chỉ rõ như: tăng trưởng thiếu bền vững của nhiều ngành; tiềm ẩn nhiều rủi ro; thiếu chủ động và quản lý, kiểm soát trong chi tiêu đầu tư công; kiểm soát tốc độ và chất lượng tăng trưởng còn yếu. Do đó, quản lý nhà nước cần phải mạnh hơn nữa để kiểm soát tốt hơn trước các biến động.

Đại biểu Lê Quân (Đoàn Hà Nội): Kiểm soát tốt hơn trước các biến động. Ảnh: Thành Trung/BNEWS

Tôi cho rằng, tốc độ tăng trưởng năm nay có thể điều chỉnh ở mức 6-6,3% là hợp lý. Mặc dù Chính phủ vẫn quyết tâm với mục tiêu tăng trưởng 6,7% bằng việc huy động một số nguồn lực khác để bồi đắp bù vào cho sức tăng trưởng nhưng việc kiểm soát tốc độ và chất lượng tăng trưởng vẫn chưa tốt.

Thế nên, nếu cứ bằng mọi giá để đạt mục tiêu này thì e rằng sẽ vô tình đẩy nợ công lên cao do mạnh chi công để tăng trưởng. Rất nhiều lãnh đạo ngành quan tâm đến giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, lạm phát đã ổn định, không có nguy cơ lớn nên vẫn có căn cứ giảm lãi suất.

Hiện lãi suất trung hạn vẫn rất cao đối với doanh nghiệp; trong khi đó, muốn doanh nghiệp phát triển được thì phải điều chỉnh lãi suất linh hoạt hơn nữa, chứ đừng vì quá lo ngại lạm phát mà không dám điều chỉnh.

Khi điều chỉnh lãi suất mới sẽ giúp doanh nghiệp tăng trưởng đầu tư mạnh hơn. Nếu cứ cố duy trì mức độ tăng trưởng cao thì sẽ dẫn đến tình trạng phải hoạch định chi tiêu ngân sách cao hơn, và nhiều thứ khác bị đẩy cao hơn. Như vậy, có thể xảy ra nhiều rủi ro khiến tiếp tục tăng nợ công.

Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2030 của Chính phủ đã tạo làn sóng hứng khởi mới.

Tuy nhiên, dường như vẫn chưa có tác dụng thực sự khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân nếu đem so với giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế. Bởi khi khi tái cấu trúc nền kinh tế mạnh mẽ mới tạo được nhiều cơ hội kinh doanh, cơ hội tiếp cận các nguồn lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hiện nhóm doanh nghiệp này vẫn rất khó khăn khi tiếp cận nhiều loại hình kinh doanh. Rào cản gây khó khăn ở đây không chỉ là vốn, kỹ thuật mà cả pháp lý và nhiều yếu tố khác. Ví dụ như trong lĩnh vực giáo dục, y tế, xuất bản truyền thông… có nhiều rào cản về kỹ thuật mà các doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp nhà nước tiếp cận nhanh và dễ nhưng với doanh nghiệp tư nhân thì vẫn rất khó.

Chính vì vậy, 6 tháng qua, số lượng doanh nghiệp ngừng, dừng hoạt động vẫn rất lớn. Do đó, không nên quá kỳ vọng quá vào việc tăng trưởng kinh tế nhanh hơn sau khi điều chỉnh tháo bỏ các giấy phép con mà nên đi sâu vào thực chất vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế; nên đo lường tỷ lệ vốn nhà nước chiếm trong các doanh nghiệp nhà nước giảm thêm được bao nhiêu trong 6 tháng tới.

Trong những tháng tới, tôi kỳ vọng vào yếu tố kỷ cương của Chính phủ Kiến tạo và Chính phủ Pháp quyền và điều này nên được thể hiện rõ ngay từ các bộ ngành. Hiện có rất nhiều hoạt động cần tái cấu trúc để tinh giảm bộ máy, điển hình là cơ chế chủ quản nặng nề. Nếu theo cơ chế kiến tạo, quan tâm hậu kiểm nhiều hơn là rà soát, cấp phép thì khi đó bộ máy này sẽ tinh giảm được nhiều biên chế.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Đẩy mạnh tiến trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước

Cử tri rất quan tâm đến lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ trong lễ nhậm chức là: “Chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội”.

Để thể hiện có trách nhiệm và quý trọng tiền thuế của dân trong đầu tư công, Chính phủ phải cương quyết ra tay xử lý đối với các dự án đầu tư công không mang lại hiệu quả, có nguy cơ thất thoát hàng ngàn tỷ, quy rõ trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức đã đề xuất dự án, thẩm định, phê duyệt và những người triển khai thực hiện dự án.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Đẩy mạnh tiến trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước . Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Nếu Chính phủ nghiêm minh đối với các dự án đã triển khai trong thời gian vừa qua thì mới ngăn chặn được việc sử dụng lãng phí, thất thoát đầu tư công trong thời gian tới. Lấy được niềm tin của người dân bây giờ là rất khó, bởi vì người dân chỉ tin khi nhìn thấy hành động thực tế.

Tôi cho rằng , Chính phủ cần kiên quyết đẩy mạnh tiến trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh cổ phần hóa và thực hiện công khai minh bạch thông qua con đường niêm yết lên sàn chứng khoán.

Chính phủ kiến tạo là chính phủ tạo các điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, kể cả những lĩnh vực tư nhân không muốn làm thì Chính phủ cũng chỉ tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp làm chứ không làm thay, không can thiệp vào quá trình kinh doanh của các doanh nghiệp.

Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng quản lý các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế nhà nước như hiện nay thì còn tạo cơ hội cho các nhóm lợi ích hoành hành bòn rút tiền của nhà nước và hậu quả là hàng loạt các doanh nghiệp thua lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng; khi rơi vào nguy cơ phá sản lại là cơ hội tốt cho “kền kền ăn xác chết”.

Do vậy cần đẩy nhanh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, chống thất thoát vốn và tài sản nhà nước, tăng nguồn thu góp phần giảm áp lực nợ công Chính phủ, đồng thời tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp phát triển và cạnh tranh lành mạnh.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình): Cần có chương trình giám sát về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Lần đầu tiên vấn đề nợ công, nợ xấu là 2 vấn đề liên quan đến sự phát triển của nền tài chính quốc gia được đề cập một cách thẳng thắn. Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật thể hiện sự minh bạch của Chính phủ là tiền đề cho quyết tâm và các giải pháp thực hiện.

Mặc dù nền kinh tế đang phục hồi tốt nhưng nếu xét chỉ số phát triển doanh nghiệp thì thấy vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn khó khăn, không bền vững. Con số 60% doanh nghiệp thua lỗ, làm ăn không có lãi chứng tỏ sức khỏe doanh nghiệp chưa thực sự phục hồi.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình): Cần có chương trình giám sát về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh .Ảnh: Thạch Huê/TTXVN

Một số các khó khăn mà nền kinh tế đang gặp phải là: tình trạng thâm hụt ngân sách cao, vượt quá 5% dự toán mà quốc hội đã thông qua; nợ công vẫn gia tăng và có khả năng vượt trần trong năm nay; nợ xấu chưa thực sự được “mua bán đổi chủ”; con số tăng trưởng tín dụng không thực chất bởi tăng trưởng tín dụng cao nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay; lãi suất cao hơn nhiều so với lạm phát…

Chính phủ đã đưa ra thông điệp và hành động rất rõ ràng về cải cách thủ tục hành chính với quyết tâm cao nhưng nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn thực hiện chưa tốt. Đơn cử như Nghị quyết 19 (2014 – 2015), sau hơn 2 năm thực hiện chỉ có 13/53 địa phương và 4/22 bộ ngành gửi báo cáo kết quả về Chính phủ.

Mặc dù Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã ban hành từ năm 2014 nhưng việc soạn thảo các Nghị định, Thông tư hướng dẫn cho 2 luật này cũng mới chỉ “rốt ráo” triển khai sau khi được Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp trong cuộc họp quý 1/2016. Các bộ, ngành khi ấy mới “vắt chân lên cổ” thực hiện nên rất khó tránh khỏi sai sót nhất định.

Mặc dù các Nghị định hướng dẫn đã thông qua theo đúng kế hoạch nhưng việc xóa bỏ các điều kiện kinh doanh, giấy phép con bất hợp lý vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Bởi vậy, thời gian tới vẫn cần hóa giải các nút thắt về chi tiêu ngân sách, nợ công, nợ xấu, cải cách thủ tục hành chính.

Từ đầu năm đến nay, sau khi Chính phủ mới kiện toàn với sự chỉ đạo quyết liệt, đã có làn gió mới cải cách hình thành niềm tin vào môi trường kinh doanh. Niềm tin của doanh nghiệp, của người dân đã trở lại và đáp lại niềm tin đó đang là thách thức lớn của Chính phủ. Vì vậy, Quốc hội cần có chương trình giám sát về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục