Bên lề kỳ họp Quốc hội: Ngư dân vẫn khó tiếp cận vốn vay khi đóng mới tàu cá

15:23' - 22/07/2016
BNEWS Bên lề Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV ngày 22/7, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với các đại biểu Quốc hội xung quanh việc triển khai Nghị định 67 tại các địa phương.
Ngư dân Trần Văn Lực, chủ tàu cá PY 91647 TS, công suất 260 CV (thứ 2 từ phải qua) đang sửa sang tàu cá chuẩn bị cho chuyến biển mới. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN

Sau một thời gian triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản (nay là Nghị định 89 đã được sửa đổi, bổ sung), đến nay tại nhiều địa phương ngư dân vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tại các ngân hàng.

Bên lề Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV ngày 22/7, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với các đại biểu Quốc hội xung quanh việc triển khai Nghị định 67 tại các địa phương. 

*Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Đoàn Bình Thuận): Hướng dẫn ngư dân đóng tàu phù hợp 

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Cảnh của tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Thành Trung/BNEWS

Trong thời gian qua, Bình Thuận đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản. Đến nay, tỉnh đã có quyết định phê duyệt đóng mới 72 tàu cá, đạt 50% trong danh sách ngư dân đăng ký đóng mới tàu cá. Hiện đã có 45 tàu cá hạ thủy và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Tổng vốn tàu cá đóng mới là khoảng 450 tỷ đồng; trong đó, phía ngân hàng đầu tư 350 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của ngư dân. 

Với 45 tàu đã hạ thủy và đi vào hoạt động thì bước đầu đem lại hiệu quả, do ngư dân đã xác định loại tàu phù hợp với ngành nghề nên hiệu quả sản xuất cao hơn và chất lượng hải sản khai thác tốt hơn. Bên cạnh đó, một số tàu cá trước đây hoạt động nghề giã cào bay nay đã chuyển sang ngành nghề khác nên đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ đó, hạn chế được tình trạng khai thác gần bờ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên. 

Để triển khai thực hiện Nghị định 67 hiệu quả, UBND tỉnh đã tuyên truyền chính sách này đến với ngư dân để hiểu rằng mình cũng phải có trách nhiệm khi tham gia, nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách… Bên cạnh việc ngân hàng cho vay vốn đóng mới tàu cá thì ngư dân phải tự lực bằng mọi cách có được nguồn vốn đối ứng theo quy định để thực hiện Nghị định 67, góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay. 

Mặt khác, tỉnh cũng hướng dẫn cho ngư dân nên thực hiện đóng mới loại tàu, công suất, thiết kế, chất liệu nào cho phù hợp với thực tế từng ngành nghề khai thác trên biển. 

Tuy nhiên, hiện ngư dân Bình Thuận vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay lưu động cho từng chuyến đi biển. Do đó, tỉnh cũng kiến nghị với cơ quan chức năng nghiên cứu làm sao để đơn giản hóa thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian…, tạo thuận lợi cho ngư dân có điều kiện đóng mới tàu cá thực hiện đánh bắt xa bờ đạt hiệu quả cao, đồng thời giúp ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. 

*Đại biểu Lê Viết Chữ (Đoàn Quảng Ngãi): Ngư dân khó tiếp cận nguồn vốn 

Đại biểu Quốc hội Lê Viết Chữ của tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Thành Trung/BNEWS

Đến nay, Quảng Ngãi đã hoàn thiện 89 hồ sơ vay vốn của ngư dân để đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ. Hiện đã có 8 trường hợp được giải ngân vay vốn đóng mới tàu cá và đã đi vào khai thác. 

Khó khăn lớn nhất hiện nay là ngư dân khó tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng do chưa tin tưởng vào người dân. Khi UBND làm hồ sơ đề nghị chuyển sang ngân hàng thì họ còn chần chừ trong việc thẩm định hồ sơ. Phía ngân hàng cho rằng, lâu nay ngư dân chỉ đóng tàu vỏ gỗ với giá trị chỉ khoảng 3-4 tỷ đồng, khả năng thu hồi vốn cao hơn. Còn đối với các khoản vay đóng tàu vỏ thép có giá trị lớn trên 10 tỷ đồng, khó thu hồi vốn. 

Theo quan điểm của tôi, cần phải có sự bảo lãnh của Nhà nước để ngư dân có thể tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng. Nếu có sự bảo lãnh của Nhà nước chắc chắn ngân hàng sẽ cho ngư dân vay vốn. Bởi hiện nay, phần lớn ngư dân không đủ nguồn vối đối ứng cho ngân hàng. 

Bên cạnh đó, không nên quy định cụ thể từng loại tàu, công suất… là bao nhiêu mà việc đó để chủ tàu tự lựa chọn vì đây mới là chủ thể trực tiếp tham gia. Trong khi đó, hầu hết các mẫu thiết kế tàu vỏ thép đều không phù hợp với đặc điểm từng loại nghề ở từng ngư trường. Mẫu tàu lại không có quy chuẩn thống nhất. Vì vậy, trong quá trình đóng tàu, chủ tàu phải thường xuyên yêu cầu chỉnh sửa, thay đổi nhiều chi tiết cho phù hợp, gây mất thời gian và tốn kém chi phí./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục