Ký kết nhiều thỏa thuận nghiên cứu hợp tác thúc đẩy phát triển nuôi biển

17:06' - 01/04/2024
BNEWS Tỉnh Quảng Ninh đã ký kết thỏa thuận nghiên cứu hợp tác thúc đẩy phát triển nuôi biển giai đoạn 2024 - 2027 với 7 đơn vị, gồm 4 viện nghiên cứu và 3 doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ Hội nghị Phát triển nuôi biển bền vững - nhìn từ Quảng Ninh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức tại thành phố Hạ Long, ngày 1/4, tỉnh Quảng Ninh đã ký kết thỏa thuận nghiên cứu hợp tác thúc đẩy phát triển nuôi biển giai đoạn 2024 - 2027 với 7 đơn vị, gồm 4 viện nghiên cứu và 3 doanh nghiệp.

Các đơn vị ký kết thỏa thuận với tỉnh Quảng Ninh gồm: Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, Viện Nghiên cứu hải sản, Viện Ứng dụng khoa học công nghệ và Đào tạo Mekong, Công ty cổ phần Tập đoàn STP, Công ty TNHH Thủy sản Lenger và Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung Group.

Thông qua ký kết bản ghi nhớ, các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp lớn của Việt Nam sẽ hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, ứng dụng và triển khai các mô hình kinh tế thủy sản biển công nghiệp, hiện đại.của tỉnh Quảng Ninh.

 

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức trao giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho 6 doanh nghiệp, hợp tác xã. Đây là một cố gắng tích cực trong thời gian ngắn vừa qua và khẳng định các thủ tục hành chính đã được tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các ngành liên quan rút gọn, đơn giản hóa về cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển và giao khu vực biển.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy nhấn mạnh, việc phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh sẽ gắn với các quan điểm, phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển (nuôi biển) công nghệ cao, hiệu quả và bền vững; khai thác, sử dụng tiềm năng mặt nước nuôi biển hợp lý, đảm bảo hài hòa; phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại.

Việc phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng gắn với bố trí, sắp xếp nuôi lồng bè và nhuyễn thể an toàn, khoa học, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh; thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, khai thác, bảo vệ, phát triển và khai thác nguồn lợi thuỷ sản bền vững, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia; có chính sách hỗ trợ ngư dân làm nghề khai thác thủy sản ven bờ chuyển đổi sang nghề nuôi biển, dịch vụ hậu cần nghề cá hoặc phi nông nghiệp để bảo vệ nguồn lợi thủy sản…

Bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN
Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh được tổ chức với mục đích thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định 1664/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án  phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Đề án 1664) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; nhận diện tình hình nuôi biển trên thế giới và trong nước hiện nay; triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch nuôi biển và các thủ tục đánh giá tác động môi trường, cấp phép, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh trong thời gian tới.

Theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam đang hướng tới với mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha, sản lượng 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 0,8 - 1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, sản lượng 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục