Kỳ thi THPT quốc gia 2017: Thí sinh thích thi trắc nghiệm

13:49' - 24/06/2017
BNEWS Nhận định chung của thí sinh tại một số điểm thi ở Tp. HCM cho rằng đề thi môn Địa lý và Giáo dục công dân tương đối dễ, có nhiều câu hỏi ứng dụng hay.

Còn môn Lịch sử thí sinh khá khó khăn mới có thể hoàn thành bài thi. Hầu hết các thí sinh đều rất thích thú với phương thức thi trắc nghiệm ở các môn xã hội.

Thí sinh trao đổi sau khi hoàn thành môn thi cuối của kỳ thi. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Em Nguyễn Minh Hùng, học sinh Trường THPT Phú Nhuận cho biết, hầu hết các câu hỏi ở ba môn đều bám sát chương trình học.

Trong đó, với đề thi môn Lịch sử học sinh cần phải học kỹ nội dung sách giáo khoa và phải chú trọng cả những chi tiết rất nhỏ mới có thể làm tốt bài thi. Còn môn Giáo dục Công dân có nhiều câu hỏi ứng dụng thực tế, không thiên quá nhiều về lý thuyết, học sinh hiểu bài là có thể vận dụng làm được.

Em Vân Anh, Trường THPT Nguyễn Thị Diệu cho biết, môn Lịch sử có nhiều câu em không ôn tập và có một số câu em chưa gặp trước đó, nên cũng khá khó khăn để làm bài, còn môn Địa lý và môn Giáo dục công dân em làm bài tốt. Riêng môn Địa lý em sử dụng Atlat là đã làm được 25% đề thi.

Còn đề môn Giáo dục Công dân hay nhất ở phần các câu hỏi tình huống để học sinh ứng dụng kiến thức đã học vào để giải quyết. Với bài làm của em, em nghĩ môn Lịch sử em đạt điểm trung bình, còn môn Địa lý và Giáo dục công dân em tự tin trên 7 điểm.

Theo đánh giá chung của giáo viên các môn thành phần tổ hợp Khoa học Xã hội, đề thi năm nay bám sát chương trình học, phần lớn nằm trong chương trình lớp 12. Cấu trúc đề thi giống với đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trước đó.

Đánh giá về đề thi môn Giáo dục công dân, cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên Trường THPT Hàn Thuyên cho rằng, nhìn chung đề đều nằm trong chương trình 12, khá sát với nội dung ôn tập. Trong đó có khoảng 60% câu hỏi ở mức khả năng nhận biết và 40% câu hỏi ở phần sau để phân hóa thí sinh.

Đề không đánh đố học sinh, đối với thí sinh học bài và nắm bắt chắc kiến thức cơ bản là có khả năng đạt được 6 -7 điểm, học khá hơn có thể đạt được 8-9 điểm.

Về đề thi môn Lịch sử, cô Nguyễn Anh Đào, giáo viên trường Trung học phổ thông Nguyễn Trung Trực, cho rằng đề thi nằm trong chương trình học, cấu trúc gần giống nhưng khó hơn đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học sinh phải đọc kỹ đề và chú tâm ôn tập thì có thể hoàn thành tốt bài thi. Với đề thi này, phổ điểm thí sinh đạt từ 5-6 điểm.

Đối với đề thi môn Địa lý, thầy Phạm Văn Hào, giáo viên Trung học phổ thông Thành Nhân cho rằng đề thi bám sát chương trình sách giáo khoa và bộ đề minh họa của Bộ, vừa sức thí sinh, câu hỏi của đề hay, ngắn gọn, dễ hiểu. Đề cũng có sự phân hóa khá tốt khi một câu cuối của đề khá khó. Với đề này, các em chỉ cần nắm vững kiến thức là có thể làm được bài, đặc biệt các em sử dụng Atlat là có thể làm được một số câu dễ lấy điểm.

Kết thúc kỳ thi, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Năm nay lần đầu tiên kỳ thi được tổ chức với hầu hết các bài thi theo hình thức trắc nghiệm, Sở đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chu đáo, đặc biệt là các buổi thi tổ hợp.

Do vậy trong ba ngày diễn ra kỳ thi không có sự cố xảy ra về thực hiện bài thi tổ hợp. Trong buổi thi tổ hợp Khoa học Xã hội sáng nay không có thí sinh và cán bộ coi thi vi phạm quy chế. Môn Lịch sử vắng 200 thí sinh; môn Địa lý vắng 117 thí sinh; môn Giáo dục Công dân có 56 thí sinh vắng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục