Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018: Những "thí sinh đặc biệt" tại Nghệ An

11:50' - 25/06/2018
BNEWS Những "thí sinh đặc biệt" trong kỳ thi THPT quốc gia tại Nghệ An hôm nay vì nhiều lý do khác nhau đã đến với kỳ thi này bằng một sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm vượt qua hoàn cảnh...

Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018, cụm thi số 28 (tại Nghệ An) có khá nhiều thí sinh đặc biệt. Những sỹ tử này vì nhiều lý do khác nhau đã đến với kỳ thi này bằng một sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm vượt qua hoàn cảnh...
Bị thương nẹp cổ vẫn đi thi
Từ sáng sớm, thí sinh Lê Văn Hoàng đã được gia đình đưa đến điểm thi Trường Trung học Phổ thông Nam Đàn 2, huyện Nam Đàn để kịp giờ thi môn đầu tiên. Dù sức khỏe còn yếu do mới bị tai nạn xe máy, cổ vẫn còn bị nẹp nhưng gương mặt của cậu học trò này vẫn khá tươi tỉnh. Sau vài phút hỏi thăm của bạn bè và thầy cô, Hoàng bước vào phòng thi với trong tâm trạng thoải mái, tự tin.

Thí sinh Lê Văn Hoàng đã được gia đình đưa đến điểm thi Trường THPT Nam Đàn 2, huyện Nam Đàn. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Trước đó, chiều 24/6, Hoàng là một trong những thí sinh vắng mặt tại buổi làm thủ tục. Ngay sau khi biết tin này, lãnh đạo Nhà trường đã trực tiếp gọi điện cho gia đình Hoàng để tìm hiểu lý do. Lúc này, nhà trường mới biết Hoàng vừa bị tại nạn và đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An.
Trong tình cảnh đó, Nhà trường đã khuyên gia đình đến để làm thủ tục đặc cách cho Hoàng. Đơn xin đặc cách đã được gia đình Hoàng nộp lên Hội đồng thi. Tuy nhiên, do được hồi sức kịp thời, sức khỏe Hoàng đã tốt dần lên. Không muốn bỏ lỡ Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia và nhiều cơ hội khác cho mình sau này, Hoàng đã nói với bố mẹ và gia đình, muốn được đi thi như các bạn.
Nói về trường hợp của Lê Văn Hoàng, thầy giáo Lê Văn Quyền, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nam Đàn 2, Phó điểm trưởng điểm thi cho biết: "Khi biết được mong muốn của Hoàng, chúng tôi cũng rất lo lắng cho sức khỏe của em. Nhưng Hoàng đã khẳng định “em làm được” nên nhà trường rất yên tâm. Chúng tôi cũng đã cắt cử đội tình nguyện và nhân viên y tế sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện cần thiết nếu chẳng may có sự cố bất thường xảy ra".
Hoàng cho biết: "Hiện cổ em vẫn đau và đầu vẫn choáng nhưng em sẽ nỗ lực hết mình để có kết quả tốt nhất. Sau khi thi xong, em sẽ ra Hà Nội để kiểm tra toàn diện sức khỏe".
50 tuổi vẫn “nuôi” giấc mơ đại học
Đó là trường hợp của thí sinh Nguyễn Thị Thanh Vân tại điểm thi Trường Trung học Phổ thông Lê Viết Thuật, thành phố Vinh. Trong buổi đầu tiên làm thủ tục, rất nhiều thí sinh ngỡ chị là giám thị vì chị Thanh Vân sinh năm 1958 và đến với phòng thi với phong thái rất tự tin. Ngoài ra, khác với rất nhiều thí sinh đứng tuổi của những kỳ thi trước, chị Thanh Vân chia sẻ rất cởi mở trò chuyện với phóng viên.
Chị Nguyễn Thị Thanh Vân hiện đang là y sỹ, công tác tại Khoa Răng Hàm mặt, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Công việc ổn định, con cái khá thành đạt (một người là giảng viên đại học, một người đang làm nghiên cứu sinh) nên khi biết ý định của chị Vân đăng ký thi Trung học Phổ thông quốc gia để xét tuyển vào Trường Đại học Y khoa Vinh, nhiều người rất bất ngờ. Tuy nhiên, chị Vân có lý do riêng của mình. "Vào đại học là ước mơ của tôi từ ngày con trẻ. Nhưng vì hoàn cảnh, vướng bận con cái, công việc nên đến 50 tuổi tôi mới được thực hiện nguyện vọng này", chị Vân chia sẻ.

Thí sinh Nguyễn Thị Thanh Vân (50 tuổi) tại điểm thi Trường THPT Lê Viết Thuật, thành phố Vinh. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Vì chỉ thi để xét tuyển vào đại học nên chị Thanh Vân có tâm lý khá thoải mái khi đến với kỳ thi này. Với khát khao được trúng tuyển nên chị Thanh Vân đã tranh thủ học một khóa ôn luyện ngắn hạn và làm các đề thi của các năm trước. Điều chị Vân lo lắng nhất là năm nay, các môn thi theo hình thức trắc nghiệm và đây là lần đầu tiên chị làm bài theo hình thức này.
Kết thúc môn thi đầu tiên là Ngữ văn sáng nay, thí sinh Lê Văn Hoàng đánh giá: "Đề thi Ngữ văn khá thú vị, bám sát chương trình học. Đề thi có câu hỏi gợi mở ở phần nghị luận xã hội về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay. Với câu hỏi này, nhiều thí sinh có thể bày tỏ được kiến thức, quan điểm của mình bằng nhiều hành động và suy nghĩ khác nhau.
Cô giáo Nguyễn Thị Hải Lý, giáo viên Văn học Trường Trung học Phổ thông Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) đánh giá: "Đề thi có sự phân hóa khá rõ. Những thí sinh thi tốt nghiệp có thể hoàn thành tốt bài thi của mình. Với những thí sinh thi tổ hợp khoa học xã hội, đề thi này khá dễ dàng"./.

>>> Gợi ý giải đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia 2018

>>> Kỳ thi THPT quốc gia 2018: Hà Giang bố trí xe chuyên dụng đưa thí sinh đến điểm thi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục