Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022: Đề thi Ngữ văn không có yếu tố bất ngờ, cách hỏi sáng rõ

11:15' - 07/07/2022
BNEWS Sáng 7/7, các thí sinh dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2022 đã hoàn thành môn thi đầu tiên – môn Ngữ văn.

Theo nhận định của một số giáo viên, đề thi năm nay giữ nguyên cấu trúc của đề thi tham khảo đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 1/4/2022, cũng là cấu trúc của đề thi chính thức môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm trước.

Thí sinh tại điểm thi trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn phấn khởi khi hoàn thành môn thi Ngữ văn . Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Cô Nguyễn Thị Minh Duyên, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Chuyên Bắc Giang nhận định: Đề thi không có yếu tố bất ngờ hay “gây sốc”, cách hỏi tương đối sáng rõ. Phần đọc hiểu và viết đoạn nghị luận xã hội của đề thi đã lựa chọn được ngữ liệu và vấn đề phù hợp với tâm lý, nhận thức của học sinh Trung học Phổ thông, có ý nghĩa giáo dục tốt.

Với phần viết bài nghị luận văn học, đề thi hỏi về tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu, yêu cầu phân tích một đoạn trích rồi liên hệ với một chi tiết, hình ảnh khác xuất hiện trong tác phẩm để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Theo cô Nguyễn Thị Minh Duyên, câu hỏi này có thể phân hóa được học sinh. Vì đa số học sinh có thể thực hiện được yêu cầu phân tích đoạn trích nhưng không nhiều học sinh có thể kết nối, liên hệ với hình ảnh “chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá” trong một đoạn khác của văn bản để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống một cách thật thấu đáo, hợp lý. Đây là chỗ đề thi có thể phân loại học sinh, phát hiện được những em thực sự nắm chắc tác phẩm và có kĩ năng làm bài tốt.

 

Cô Phạm Thị Thu Phương, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho rằng: Ở phần Đọc hiểu, dù đề thi có các mức độ của tư duy nhưng các câu hỏi đều không khó, đặc biệt là hết sức quen thuộc nên học sinh có thể trả lời dễ dàng. Ở phần Làm văn, với câu nghị luận xã hội đưa ra vấn đề “trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước”, đây là một vấn đề gần gũi, quen thuộc, không xa lạ với học sinh nên cũng không “làm khó” các em.

Để hoàn thành đoạn văn này, học sinh cần bắt đầu từ việc trình bày cách hiểu về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước là gì, phân tích được những những biểu hiện và ý nghĩa của những trách nhiệm đó, lấy những dẫn chứng đời sống để minh họa, biết phê phán những biểu hiện trái ngược và những cách hiểu chưa chính xác về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước. Cuối cùng, học sinh phải biết liên hệ bản thân để nhận ra những bài học nhận thức và bài học hành động ý nghĩa, thiết thực. Học sinh cũng cần biết kết hợp các thao tác lập luận để tạo lập văn bản và đảm bảo chuẩn dung lượng bài viết mà đề bài yêu cầu.

Với phần nghị luận văn học, đề bài đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm; thành thạo kỹ năng phân tích văn bản văn xuôi; mà còn phải thực sự hiểu về nội dung tư tưởng của tác phẩm nói chung và đoạn trích nói riêng. Đặc biệt, học sinh cần biết liên hệ với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió - là một chi tiết nghệ thuật đắt giá trong tác phẩm, là hiện thân của cuộc đời. Từ đó, nhận ra thông điệp mà tác giả muốn truyền tải về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

Theo cô Thu Phương, học sinh cần phải nắm chắc kiến thức và thuần thục các kĩ năng làm các dạng bài mới có thể đạt được điểm khá, giỏi với đề thi Ngữ văn năm nay./.

>>>  Đề thi THPT quốc gia năm 2022 môn Ngữ văn chính thức

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục