Ký ức về ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất

06:05' - 22/05/2016
BNEWS Với nhiều người Việt Nam nói chung, những ngày tháng 4 của 40 năm trước - ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất - là những ký ức không thể nào quên.
Ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất - những ký ức không thể nào quên. Ảnh tư liệu: TTXVN

Trong chặng đường lịch sử 70 năm Quốc hội Việt Nam có hai dấu mốc vô cùng trọng đại là Ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (6/1/1946) và Ngày bầu cử Quốc hội chung đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất (25/4/1976).

Với nhiều người Việt Nam nói chung và người cán bộ 50 năm tuổi đảng Lê Quang Nga, xã Thanh Bình, huyện Thanh Liêm, Hà Nam nói riêng, những ngày tháng 4 của 40 năm trước là những ký ức không thể nào quên.

Ngày ấy, sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, nhưng hai miền Nam - Bắc do yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cách mạng, thời gian trước đó vẫn tồn tại hai hình thức tổ chức nhà nước khác nhau.

Ở miền Bắc, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ở miền Nam cơ quan quyền lực cao nhất là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng Cố vấn của Chính phủ.

Cùng với việc khẩn trương hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới thì một nhiệm vụ vô cùng quan trọng Đảng ta xác định là nhanh chóng tiến hành thống nhất đất nước cho phù hợp với nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới và đáp ứng nguyện vọng mong mỏi thiết tha của đồng bào, chiến sỹ cả nước.

Các quy trình, thủ tục hiệp thương chính trị thống nhất đất nước giữa hai miền nhanh chóng được tiến hành trong sự đồng thuận, tin tưởng, hân hoan của các tầng lớp nhân dân. Để rồi, ngày bầu cử Quốc hội chung của cả nước đã được ấn định là 25/4/1976.

Một điểm bỏ phiếu ở Hà Nội trong ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu: TTXVN

Hướng về Ngày hội làm chủ, thị xã Hà Nam cũng như xã Thanh Bình, Thanh Liêm quê ông và các vùng nông thôn trong tỉnh đâu đâu cũng rợp cờ hoa, biểu ngữ thông tin, chào mừng về ngày đất nước thống nhất, ngày bầu cử chung hai miền Nam Bắc.

Cờ Tổ quốc, cờ Đảng, cờ Giải phóng được nhân dân treo khắp nơi. Thị xã Hà Nam khi đó quy mô còn rất khiêm tốn với 4 khu phố nhưng không khí ngày tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất không vì thế mà kém sôi nổi. Người dân ai cũng phấn khởi hòa chung niềm vui được thực hiện quyền làm chủ trong khung cảnh đất nước hòa bình, thống nhất.

Ký ức về ngày bầu cử Quốc hội chung giữa hai miền năm ấy của bà Trần Thị Tưởng, xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục, Hà Nam có niềm phấn khởi và cả sự tự hào. Bởi vì bà vinh dự là một trong 24 đại biểu Quốc hội khóa VI của tỉnh Nam Hà.

Khi được hỏi về những ngày tháng lịch sử ấy, giọng bà sôi nổi, vui hoạt lạ thường. Từ một thôn nữ chịu thương, chịu khó, hăng hái đi đầu các phong trào thi đua, năm 1976 nữ đảng viên Trần Thị Tưởng vinh dự tham gia gánh vác trách nhiệm đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ kiêm Đội trưởng Đội sản xuất La Cầu, Hợp tác xã Nông nghiệp Trân Tiến, Mỹ Thọ.

Nhân dân bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa 1. Ảnh tư liệu: TTXVN

Luôn năng nổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, người nữ đảng viên vùng quê đồng chiêm trũng ấy đã được cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và cử tri địa phương tin tưởng giới thiệu, bầu là đại diện khối sản xuất nông nghiệp tham gia Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Khó có thể diễn tả hết niềm vui, niềm vinh dự của bà Trần Thị Tưởng lúc đó. Chồng là bộ đội làm nhiệm vụ nơi xa, một mình phải đảm đương làm tròn việc nhà, việc hợp tác xã và thực hiện tốt vai trò người đại biểu nhân dân.

Vào thời điểm lịch sử đó, ngoài niềm vui chung về ngày hội làm chủ của hai miền Nam Bắc, bà còn có niềm vui riêng cùng nhiều phụ nữ miền Bắc khi được may mắn đón chồng con trở về từ chiến trường miền Nam.

Vì lẽ đó bà càng thêm hiểu, thêm quý trọng giá trị lớn lao của hòa bình, tự do cũng như ý nghĩa thiêng liêng của ngày hội được thực hiện quyền làm chủ trên quê hương không còn tiếng súng, tiếng bom.

Vào thời điểm tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của đất nước lúc đó, Đại tá Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Hà Nam thuộc quân số của Lữ đoàn Đặc công Biệt động 316 Anh hùng vừa hoàn thành nhiệm vụ cùng đồng đội góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo yêu cầu của cấp trên, ông cùng đơn vị tiếp tục ở lại thực hiện nhiệm vụ quân quản, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo đảm cho cuộc bầu cử diễn ra thành công. Những ngày đáng nhớ đó, trời Sài Gòn-Gia định trong xanh với sắc nắng tháng Tư như làm cho màu cờ hoa thông tin, cổ động về bầu cử thêm rực rõ.

Là người lính đã từng cùng đồng đội trải qua những ngày tháng gian nan, vất vả "trên rừng", "ở cứ" nay được cùng bà con cô bác nơi thành phố phía Nam cầm lá phiếu hân hoan thực hiện nghĩa vụ công dân trong một đất nước hòa bình, độc lập, ông không khỏi bồi hồi.

Thật vui sướng, hạnh phúc biết bao khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng đất nước sạch bóng quân xâm lược, cả non sông vui sống trong không khí ngày hội làm chủ, Đại tá Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

40 năm đã qua, mỗi người dân ở mỗi vị trí lao động, chiến đấu, công tác khác nhau nhưng điểm chung nhất trong tâm thế khi nghĩ về ngày hội tổng tuyển cử chung của nước Việt Nam thống nhất là niềm vui, niềm tự hào của người làm chủ được sống trong đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất.

Ngày hôm nay, tất cả lại đang nô nức hướng về ngày hội của đất nước để cùng nhau lựa chọn người tiêu biểu về đức, tài bầu vào Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục