Kỳ vọng sản xuất công nghiệp Bắc Ninh khởi sắc

09:29' - 11/12/2023
BNEWS Sản xuất công nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh được cho là sẽ có nhiều khả quan hơn trong năm 2024.

Tháng 11, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bị chững lại, nguyên nhân do tình hình kinh tế thế giới phức tạp, nhiều thị trường lớn của các danh nghiệp trong tỉnh đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, Bắc Ninh kỳ vọng sản xuất công nghiệp sẽ khả quan hơn trong năm 2024 nhờ các hoạt động đối ngoại, hợp tác chặt chẽ với các địa phương, đơn vị, nâng cao vị thế của tỉnh.

Theo Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, mặc dù sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm 2023 vẫn có xu hướng giảm so với các tháng cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức giảm không nhiều như những tháng đầu năm.

Thời gian gần đây, tỉnh Bắc Ninh tăng cường các hoạt động đối ngoại, hợp tác chặt chẽ với các địa phương, đơn vị, nâng cao vị thế của tỉnh bằng các hoạt động như: Hội nghị xúc tiến đầu tư và tiếp xúc các doanh nghiệp công nghệ cao tại Trung Quốc; tổ chức thành công chuỗi các sự kiện trong Chương trình gặp gỡ Hàn Quốc khu vực Bắc Bộ năm 2023.

Tỉnh đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; nâng cao năng lực cạnh tranh của làng nghề, doanh nghiệp nhỏ và vừa; thu hút các dự án có công nghệ cao, tăng hàm lượng khoa học, suất đầu tư lớn, giảm định mức về sử dụng đất, tài nguyên, năng lượng, lao động, hiệu quả cao, thân thiện với môi trường.

Tỉnh đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, phát triển doanh nghiệp, xây dựng chương trình, chính sách chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục tái cơ cấu ngân sách nhà nước, thúc đẩy các hoạt động tài chính ngân hàng đáp ứng nguồn vốn cho phát triển.

Do đó, triển vọng trong thời gian sắp tới sản xuất công nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ có nhiều khả quan hơn.

Tháng 11, phân tích diễn biến IIP toàn ngành và cụ thể ở các ngành công nghiệp cấp 1, cấp 2 so với các gốc so sánh cho thấy, so với tháng trước, IIP toàn ngành công nghiệp giảm khá nhiều, lên tới 7,55%, có 2/3 ngành cấp 1 giảm; trong đó, ngành ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 7,57%.

Công nghiệp chế biến chế tạo chịu ảnh hưởng lớn bởi “Ngành 26 - Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học” là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, có mức giảm 8,44%, tập trung chủ yếu ở các sản phẩm linh kiện giảm do nhu cầu thị trường giảm. Xét theo ngành kinh tế cấp 2, có 15/24 ngành có mức sản xuất giảm…

Ở chiều ngược lại, chỉ có 9 ngành có chỉ số sản xuất tăng so với tháng trước; trong đó, một số ngành tăng khá như sản xuất trang phục tăng 6,28%; sản xuất máy móc và thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 5,26%…

So với cùng tháng năm trước, IIP toàn ngành công nghiệp giảm 5,73%, trong 3 ngành cấp 1 chỉ có công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,79%. Trong 20 ngành kinh tế cấp 2 của công nghiệp chế biến chế tạo, có 12/20 ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ (mức giảm từ 4,06% đến 55,29%); trong đó, ảnh hưởng lớn bởi ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (có mức giảm 4,06%); các ngành còn lại có chỉ số tăng so với cùng kỳ (mức tăng từ 0,91% đến 39,86%), tuy nhiên mức bù đắp chung không nhiều do các ngành này chiếm tỷ trọng nhỏ.

Tính chung 11 tháng, sản xuất công nghiệp bị giảm do các nguyên nhân khách quan từ thị trường thế giới, có tới 13 sản phẩm công nghiệp của tỉnh có mức giảm so với cùng kỳ.

Năm 2023, trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới và thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, Bắc Ninh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết tâm thực hiện tốt chủ đề công tác năm 2023 và 5 quyết tâm chính trị, giải quyết 8 “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội. Ước cả năm 2023, tỉnh có 6/17 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra; có 3/17 chỉ tiêu đạt kế hoạch; 8/17 chỉ tiêu cần phấn đấu để hoàn thành kế hoạch.

Trong số đó, 6 chỉ tiêu ước vượt kế hoạch gồm thu nhập bình quân đầu người 70 triệu đồng (vượt 0,7%); tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 65,7 nghìn tỷ đồng (vượt 9,5%); thu hút mới vốn FDI vào các khu công nghiệp 1,4 tỷ USD (vượt 16,7%); doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ gần 92 nghìn tỷ đồng (vượt 7,2%); tỷ lệ đô thị hóa 60,3% (vượt 15,3%); tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2023 còn 0,84% (vượt 0,06%); tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt 96% (vượt 1% so kế hoạch).

Ngoài ra, có 3 chỉ tiêu ước đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo 78%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 95,5%; không để xảy ra ngộ độc thực phẩm đông người.

Tuy nhiên, tỉnh có 8 chỉ tiêu khó đạt kế hoạch, chủ yếu là các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế: GRDP, kim ngạch xuất nhập khẩu, thu ngân sách...

Nguyên nhân do kinh tế Bắc Ninh hội nhập sâu rộng, dẫn tới các nhân tố bất lợi dồn dập xuất hiện khá phức tạp, sự suy giảm của các nền kinh tế đối tác lớn ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế địa phương…

Tại Kỳ họp HĐND thứ XV, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, năm 2024, tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt từ 5-6%.

Theo đó, bước sang năm 2024, tỉnh phấn đấu: GRDP tăng 5 - 6%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 75,830 triệu USD, tăng 3%; tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 70 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt 100%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 79%...

Tỉnh tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; nâng cao năng lực cạnh tranh của làng nghề, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bắc Ninh thu hút các dự án có công nghệ cao, tăng hàm lượng khoa học, suất đầu tư lớn, giảm định mức về sử dụng đất, tài nguyên, năng lượng, lao động, hiệu quả cao, thân thiện với môi trường.

Đồng thời phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao gắn với phát triển kinh tế đô thị; đẩy nhanh việc thực hiện đầu tư các khu đô thị, các trường đại học, du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; tăng cường xúc tiến đầu tư, phát triển doanh nghiệp, xây dựng chương trình, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, thúc đẩy các hoạt động tài chính, ngân hàng, đáp ứng nguồn vốn cho phát triển...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục