“Lá chắn” bảo vệ khách hàng trước các chiêu thức lừa đảo

09:47' - 03/08/2023
BNEWS Mặc dù các cơ quan chức năng đã liên tục có cảnh báo, nhưng nhiều người dân mất cảnh giác vẫn bị sập bẫy các chiêu thức lừa đảo yêu cầu chuyển tiền ngày càng tinh vi, đa dạng trên không gian mạng...

Các vụ lừa đảo giả danh cơ quan chức năng yêu cầu chuyển tiền đang có chiều hướng gia tăng ngày càng nhiều cả về số lượng và mức độ tinh vi, xảo quyệt. Mặc dù các cơ quan chức năng đã liên tục có cảnh báo, khuyến cáo, nhưng nhiều người dân mất cảnh giác vẫn bị sập bẫy các chiêu thức lừa đảo. Cùng với việc liên tục có các biện pháp bảo vệ và cảnh báo khách hàng cẩn trọng trong giao dịch, nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn ngăn chặn hành vi lừa đảo, bảo vệ tài sản cho khách hàng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng khuyến cáo các hình thức bảo vệ tài sản thông qua các sản phẩm bảo hiểm phù hợp. 

*Gia tăng các vụ lừa đảo công nghệ cao

Agribank chi nhánh huyện Ứng Hòa (Hà Nội) vừa phát hiện và kịp thời ngăn chặn một vụ giả danh công an đe dọa người dân, yêu cầu chuyển số tiền 600 triệu đồng.

Theo đó, chiều ngày 27/7/2023, ông N.X.N. (sinh năm 1952, cựu chiến binh ở thôn Thần, xã Minh Đức, Ứng Hoà, Hà Nội) đến Phòng giao dịch Chợ Cháy thuộc Agribank chi nhánh huyện Ứng Hòa yêu cầu rút tiền từ sổ tiết kiệm trước hạn. 

Quá trình giao dịch, trong lúc trao đổi với khách hàng, giao dịch viên Đặng Thị Hương Lan đã phát hiện có điều bất thường khi ông N. liên tục nghe điện thoại, sắc mặt thất thần, giọng nói rụt rè. Chị Lan trao đổi, hỏi thăm thì thấy khách hàng thông tin không rõ ràng nên đã báo cáo Giám đốc Phòng giao dịch về tình hình khách hàng.

Tiếp tục trao đổi với ông N., chị Đoàn Thị Thu Hương, Giám đốc Phòng giao dịch Chợ Cháy đã cảnh báo nhưng khách hàng vẫn một mực yêu cầu rút tiền và chuyển tiền đi bởi đối tượng liên tục gọi điện thoại và yêu cầu khách hàng ra ngoài nghe. Sau đó, Phòng giao dịch Chợ Cháy đã liên hệ Công an xã Đồng Tân để phối hợp xử lý nhằm ngăn chặn hành vi lừa đảo, bảo vệ tài sản cho khách hàng.

Cán bộ Công an xã Đồng Tân đã nhanh chóng có mặt tại khu vực giao dịch để làm rõ vụ việc. Khi bình tâm lại, ông N. trình bày: Khoảng 8h00 ngày 27/7/2023, ông nhận được cuộc gọi của một số điện thoại lạ, người gọi điện đến giới thiệu là cán bộ công an điều tra thuộc Bộ Công an và cán bộ công an Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội. Đối tượng nói rằng ông N. liên quan đến một vụ án mà Bộ Công an đang điều tra, yêu cầu ông N. phải chuyển 600 triệu đồng, nếu không sẽ bắt tạm giam. Vì lo sợ nên ông N. đã lấy toàn bộ số tiền mặt, vàng và sổ tiết kiệm đến ngân hàng rút tiền để chuyển cho đối tượng tự xưng là cán bộ công an.

Sau khi nghe cán bộ ngân hàng phối hợp cùng Công an xã Đồng Tân khuyên ngăn, giải thích, ông N. đã bình tĩnh trở lại và không thực hiện giao dịch chuyển tiền. Toàn bộ số tiền, vàng, sổ tiết kiệm của ông đã được bảo toàn và ông tiếp tục tin tưởng gửi tiết kiệm tại Agribank.

Trước đó, ngày 23/6/2023, cán bộ Agribank Phòng giao dịch Cầu Lão (thuộc Chi nhánh Ứng Hòa) cũng đã kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo qua điện thoại, nỗ lực giúp đỡ khách hàng là ông V.V.A (69 tuổi, ở xã Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Nội) giữ được số tiền tiết kiệm 120 triệu đồng.

Còn tại Agribank Chi nhánh huyện Bắc Quang (Hà Giang), các giao dịch viên của Agribank chi nhánh huyện Bắc Quang cũng vừa kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo 360 triệu đồng của đối tượng mạo danh Công an Hà Nội. 

Theo đó, chiều 24/7/2023, bà V.T.T (ở Thôn Kim Thượng, xã Tiên Kiều, huyện Bắc Quang, Hà Giang) đến Agribank Chi nhánh huyện Bắc Quang để giao dịch. Tại đây, bà đề nghị nhân viên ngân hàng rút gấp 360 triệu đồng tiền gửi tiết kiệm để chuyển cho một tài khoản lạ. Nhận thấy đây là một giao dịch bất thường, với tinh thần cảnh giác và trách nhiệm cao, các giao dịch viên của Agribank chi nhánh huyện Bắc Quang đã tận tình hỏi han và được bà T. cho biết lý do chuyển số tiền lớn như vậy cho một người lạ.

Bà T. thuật lại: “Vào khoảng 13 giờ ngày 24/7, tôi có nhận được một cuộc điện thoại. Đầu dây bên kia tự xưng là Công an Thành phố Hà Nội, nói tôi có vay 45,95 triệu đồng tại Ngân hàng Vietcombank. Thông tin tài khoản của tôi tại Vietcombank đã bị 2 đối tượng Nguyễn Văn Long, Lê Thị Thu lợi dụng. Chúng tham gia vào một đường dây buôn bán hàng quốc cấm và chuyển 6 tỷ đồng tiền bán ma túy vào tài khoản của tôi. Để phục vụ công tác điều tra, người đó yêu cầu tôi phải ra ngân hàng chuyển gấp 360 triệu đồng. Tôi sợ mình liên quan đến đường dây ma túy nên cứ ra ngân hàng làm theo lời họ thôi".

Sau khi biết được đây là chiêu thức lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của các khách hàng, các giao dịch viên của Agribank Chi nhánh Bắc Quang đã khuyên can, đồng thời hỗ trợ bà T. báo cáo lại sự việc với cơ quan chức năng...

* Hình thành “lá chắn” bảo vệ khách hàng

Từ những vụ lừa đảo nhỏ chỉ dưới chục triệu đồng, đến những vụ lừa đảo hàng tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2023, Agribank trên toàn hệ thống đã ngăn chặn gần 100 vụ lừa đảo công nghệ cao, bảo vệ được tài sản trị giá hơn 10 tỷ đồng trong tài khoản của khách hàng.

Theo thống kê, năm 2022, Agribank hỗ trợ ngăn chặn 50 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng với hơn 8 tỷ đồng. Nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, con số vụ lừa đảo đã tăng gấp đôi với gần 100 khách hàng, số tiền “suýt” bị chiếm đoạt lên tới hơn 10 tỷ đồng. Điều này cho thấy, các vụ lừa đảo đang có chiều hướng gia tăng ngày càng nhiều cả về số lượng và mức độ tinh vi, xảo quyệt. Mặc dù Agribank đã có những cảnh báo liên tục, khuyến cáo không ngừng, nhưng nhiều người dân mất cảnh giác vẫn bị sập bẫy các chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi, đa dạng trên không gian mạng.

Thực tế cho thấy, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng các chiêu thức thao túng tâm lý người dùng rất tốt. Chúng nghiên cứu kỹ người dùng, nắm bắt thông tin cá nhân, từng bước tiếp cận, làm quen, dẫn dụ khách hàng “rút” hầu bao để chuyển tiền cho chúng. 

Qua thống kê, trên 50% phi vụ lừa đảo đối với khách hàng tại Agribank đều xuất phát từ hình thức giả mạo cơ quan chức năng để thao túng tâm lý, tống tiền khách hàng. Đã có không ít trường hợp mắc bẫy lừa đảo của những kẻ mạo danh công an, điều tra viên, đã thực hiện các bước để chuẩn bị chuyển tiền. Tuy nhiên, khi ra tới ngân hàng rút tiền tiết kiệm, mở tài khoản chuyển tiền, nhờ sự cảnh giác, chủ động nhận diện dấu hiệu lạ của khách hàng, cán bộ nhân viên Agribank đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, báo công an, kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo ở “phút 89”.

Năm 2023 được ghi nhận với sự gia tăng đột biến các vụ lừa đảo công nghệ cao. Các hình thức giả mạo thương hiệu các cơ quan chức năng, tổ chức tài chính trên các mạng xã hội xuất hiện đầy rẫy trên tất cả các nền tảng mạng xã hội. Hình thức “deepfake” giả mạo người thân được đối tượng sử dụng triệt để trên mọi kênh liên lạc, từ video call trên Facebook, đến Zalo, Viber, Momo…

Trước diễn biến "nóng" của tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, Agribank xác định công tác bảo đảm an toàn cho tài sản khách hàng và phòng chống tội phạm công nghệ cao là nhiệm vụ ưu tiên cần chú trọng trong mọi hoạt động. Agribank liên tục đưa ra nhiều cảnh báo, khuyến cáo đến khách hàng nhằm nâng cao nhận thức của chính khách hàng đang sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Xác định chuyển đổi số cùng với đồng thời nâng cao tính bảo mật chặt chẽ cho khách hàng, Agribank luôn từng bước thận trọng áp dụng công nghệ hiện đại và tiên tiến trong sản phẩm dịch vụ và chất lượng của mình. Cùng với ngành ngân hàng, Agribank đẩy mạnh triển khai eKYC để hỗ trợ khách hàng các giao dịch trực tuyến (mở tài khoản trực tuyến, đăng ký dịch vụ Ngân hàng trực tuyến...). Cùng với đó, Agribank cũng đưa ra các yêu cầu để đảm bảo an toàn cho chính khách hàng như kết hợp xác thực bằng người thật, tức là khách hàng cần đến các điểm giao dịch của Agribank để hoàn tất việc eKYC, bảo đảm đúng người đúng tài khoản…

* Bảo an tài khoản - bảo vệ an toàn giao dịch online

Cùng với việc liên tục có các cảnh báo và cẩn trọng trong giao dịch, nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn ngăn chặn hành vi lừa đảo, bảo vệ tài sản cho khách hàng, Agribank cũng khuyến cáo các hình thức bảo vệ tài sản khác thông qua các sản phẩm bảo hiểm phù hợp. 

Xuất phát từ thực tế thời gian gần đây, thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo hình thức trực tuyến ngày càng tinh vi và biến hóa khôn lường, Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank) đã ra mắt và phát triển sản phẩm Bảo an tài khoản. Đây là sản phẩm bảo vệ giao dịch thanh toán qua Internet cho chủ tài khoản không may bị lừa đảo dẫn đến mất tiền, giúp khách hàng an tâm hơn khi sử dụng các giao dịch trực tuyến, dịch vụ ngân hàng điện tử của Agribank. 

Bảo an tài khoản bảo vệ giao dịch thanh toán qua Internet khi bị lừa đảo bởi các hành vi như: bị kẻ mạo danh cơ quan chức năng, tổ chức tín dụng, tổng đài… gọi đến yêu cầu chuyển khoản đến số tài khoản giả mạo; người dùng đăng nhập vào các trang web giả mạo và bị lộ thông tin; bị tấn công bởi các phần mềm độc hại, virus…

Ngoài ra, Bảo hiểm Agribank còn bồi thường cho người được bảo hiểm các chi phí và thu nhập bị thiệt hại khi trở thành nạn nhân của trộm cắp danh tính trực tuyến như: chi phí thủ tục hồ sơ và công chứng theo yêu cầu của cơ quan quản lý, chi phí bưu chính, thu nhập bị mất trong thời gian nghỉ việc để khôi phục danh tính, phí đơn xin vay khi đăng ký lại các khoản vay do bị ảnh hưởng bởi việc mất cắp danh tính, chi phí mở lại thẻ tín dụng…

Ông Nguyễn Hữu Trí trú tại Khương Trung, Thanh Xuân (Hà Nội) khách hàng tham gia bảo hiểm Bảo an tài khoản của Bảo hiểm Agribank cho biết, ông bị đối tượng giả mạo danh tính lừa đảo qua mạng, yêu cầu chuyển tiền đến tài khoản của bên thứ 3. Sau khi chuyển tiền ông Trí phát hiện ra bị mình bị lừa nên đã đến trình báo tại Công an phường Khương Trung và Công an quận Thanh Xuân. 

Vì có tham gia bảo hiểm Bảo an tài khoản nên ông Trí đã liên lạc với Bảo hiểm Agribank để thông báo sau khi không thể liên lạc lại với kẻ lừa đảo. Ngay khi nhận được thông tin vụ việc, Bảo hiểm Agribank đã xác minh và tiến hành các thủ tục bồi thường. Theo quy tắc bảo hiểm Bảo an tài khoản, sau khi trừ số tiền miễn thường, ông Trí đã được chi trả số tiền trên 34 triệu đồng đối với giao dịch được chuyển đi từ tài khoản Agribank.

Chỉ với 77.000 đồng/tài khoản/năm và quyền lợi chi trả lên đến 46 triệu đồng/tài khoản/năm, sản phẩm Bảo an tài khoản thực sự là giải pháp giúp khách hàng an tâm khi thực hiện các giao dịch trực tuyến, dịch vụ ngân hàng điện tử của Agribank trong bối cảnh tội phạm công nghệ, lừa đảo trực tuyến đang trở thành vấn nạn của xã hội. 

Ông Đỗ Minh Hoàng, Thành viên hội đồng quản trị Bảo hiểm Agribank cho biết, Agribank hiện có hơn 20 triệu khách hàng cá nhân mở tài khoản và sử dụng các hình thức giao dịch trực tuyến. Trong bối cảnh tội phạm mạng, tội phạm lừa đảo trực tuyến không ngừng gia tăng, nhận thấy mức độ nghiêm trọng của rủi ro lừa đảo trực tuyến đối với người dân và để bảo vệ tài sản của các chủ tài khoản và thương hiệu Agribank, Bảo hiểm Agribank đã hợp tác cùng với nhà môi giới bảo hiểm Marsh và nhà tái bảo hiểm QBE nghiên cứu và xây dựng sản phẩm bảo hiểm Bảo an tài khoản.

"Bảo an tài khoản chính là bảo vệ an toàn cho tài khoản trong giao dịch thanh toán online. Hay nói cách khác, sản phẩm này giúp khách hàng an tâm hơn khi sử dụng các giao dịch trực tuyến, dịch vụ ngân hàng điện tử của Agribank" - ông Hoàng thông tin./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục