Lãi suất huy động phổ biến lên vùng từ 9-10%/năm

16:26' - 02/12/2022
BNEWS Lãi suất huy động tháng 12 của các ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh lên mức cao. Tuy lãi suất 11%/năm hiện không còn nhưng mức trên 10%/năm vẫn có và lãi suất cao nhất trên 9%/năm khá phổ biến.

Mới nhất, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) vừa tăng biểu lãi suất tháng 12 thêm từ 0,8-1,1%/năm tùy từng kỳ hạn gửi tiết kiệm. Trong đó, lãi suất cao nhất của Bản Việt đang là 9,5%/năm dành cho các khoản gửi kỳ hạn từ 15 đến 24 tháng trên kênh tiết kiệm trực tuyến.

Còn với tiền gửi tại quầy, Bản Việt tăng lãi suất kỳ hạn từ 6-12 tháng lên mức từ 8,4-9,2%/năm thay vì 7,6-8,2%/năm trước đó; kỳ hạn trên 12 tháng cũng tăng lên thành 9,4%/năm.

 

Không chỉ tăng lãi suất niêm yết, Bản Việt còn triển khai chương trình quà tặng dành cho tất cả các khách hàng đến giao dịch từ ngày 19/12 đến 23/12 nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập. Đồng thời, mỗi khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến từ 5 triệu đồng hoặc gửi tiết kiệm tại quầy từ 10 triệu đồng, kỳ hạn 6 tháng trở lên sẽ nhận mã số tham gia quay số may mắn.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) kể từ tháng 12 cũng áp dụng lãi suất cao nhất lên tới 9,95%/năm, cao hơn 0,65%/năm so với thời điểm này tháng trước.

SCB đang áp dụng lãi suất cao nhất này cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại quầy và kỳ hạn từ 12-36 tháng khi khách hàng gửi tiền trực tuyến.

Đối với các kỳ hạn từ 6-11 tháng, lãi suất tại SCB hiện là 9,9%/năm khi gửi trực tuyến và từ 7,8-8,3%/năm khi gửi tại quầy.

Trước đó, nhiều ngân hàng như Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)… cũng đã tăng mạnh lãi suất.

Cụ thể, DongABank đang huy động lãi suất cao nhất lên tới 10,95%/năm đối với khách hàng gửi tiền kỳ hạn 13 tháng từ 500 tỷ đồng trở lên và 10,7%/năm với tiền gửi từ 1 tỷ đồng. Khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại DongABank kỳ hạn 6 tháng cũng được hưởng lãi suất rất cao, dao động từ 10,05-10,2%/năm.

Đây cũng là những mức lãi suất huy động cao nhất hệ thống ngân hàng được niêm yết tại thời điểm này.

Trong khi đó tại Saigonbank, lãi suất tiết kiệm cao nhất 10,5%/năm được áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng; các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên cũng lên tới 10%/năm; kỳ hạn 6 tháng 9,6%/năm.

Còn NamABank cũng nâng lãi suất huy động tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 14 tháng lên 9,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng 9,3%/năm và kỳ hạn 6 tháng lên 8,9%/năm. Trong khi lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất chỉ 8,8%/năm đối với kỳ hạn 15 tháng trở lên.

Tuy vậy, với kỳ hạn dưới 6 tháng, tiền gửi trực tuyến được hưởng lãi suất tối đa là 5,9%/năm trong khi tại quầy được hưởng lãi suất tới 6%/năm....

Mức lãi suất cao nhất cận kề 10%/năm còn có Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với 9,8%/năm dành cho khách hàng gửi kỳ hạn 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ và có tham gia bảo hiểm nhân thọ tại ngân hàng; Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) với 9,8%/năm cho số tiền từ 1 tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng, trả lãi 6 tháng; Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) với 9,9%/năm cho hình thức gửi trực tuyến kỳ hạn 15-24 tháng...

Tại các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, lãi suất vẫn chưa có điều chỉnh mới. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) huy động tiền gửi trực tuyến mức cao nhất là 8,2%/năm, cao hơn đến 0,8%/năm so với tiết kiệm gửi tại quầy.

Trong khi đó tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất tiền gửi trực tuyến cao nhất cũng tăng lên là 7,7%/năm, cao hơn 0,3%/năm so với gửi tại quầy.

Còn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), lãi suất huy động cao nhất niêm yết là 7,4%/năm. Tuy nhiên, khi gửi tiền trực tuyến khách hàng còn được cộng lãi suất thêm từ 0,4-0,5%/năm so với lãi suất tiền gửi tại quầy, nên mức lãi suất huy động cao nhất mà khách hàng được hưởng có thể lên khoảng 8%/năm.

Mức 7,4%/năm hiện cũng vẫn là lãi suất cao nhất đang niêm yết tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Báo cáo cập nhật về thị trường tiền tệ của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định nhu cầu vốn đáp ứng hoạt động kinh doanh và thanh toán thời điểm cuối năm kết hợp với áp lực từ việc rút vốn khỏi kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ khiến cho vòng xoáy tăng lãi suất huy động tiếp diễn, kéo theo lãi suất cho vay tăng vượt qua mức trước đại dịch dù nền kinh tế chỉ mới vừa phục hồi sau COVID-19.

Tuy lãi suất huy động tăng nhanh trong 2 tháng gần đây nhưng huy động vốn trong trong nền kinh tế vẫn tăng rất chậm.

Theo VDSC, tính đến cuối tháng 10/2022, huy động vốn ước tăng 4,8% so với đầu năm, cao hơn mức tăng 4,3% cuối tháng 9/2022. Xét về số tuyệt đối, huy động vốn tháng 10 chỉ tăng thêm 50.383 tỷ đồng so với mức tăng 95.210 tỷ đồng của tháng trước.

Một trong những nguyên nhân chính khiến huy động vốn tăng chậm được nhóm phân tích đưa ra là do sức khoẻ doanh nghiệp suy giảm, sự chững lại của kênh bất động sản và tiết kiệm của người dân bị ảnh hưởng bởi giá cả tiêu dùng gia tăng./.

>>>Agribank giảm tiếp 20% so với lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục