Lãi suất huy động và cho vay dần thu hẹp khoảng cách

08:31' - 22/09/2023
BNEWS Lãi suất huy động của nhiều ngân hàng liên tục được điều chỉnh giảm trong thời gian qua, kéo lãi suất hầu hết các kỳ hạn xuống dưới 7%/năm thay vì ngưỡng từ 9-10%/năm như hồi đầu năm.
Lãi suất huy động của nhiều ngân hàng liên tục được điều chỉnh giảm trong thời gian qua, kéo lãi suất hầu hết các kỳ hạn xuống dưới 7%/năm thay vì ngưỡng từ 9-10%/năm như hồi đầu năm. Lãi suất cho vay cũng đang dần thu hẹp khoảng cách với hàng loạt các gói tín dụng ưu đãi được tung ra, có lãi suất từ 5-7,5%/năm, giảm từ 2-3 điểm % so với quý đầu năm.

 
Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng tại 4 ngân hàng lớn gồm: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa tiếp tục giảm 0,3 điểm % xuống còn 5,5%/năm, tương đương mức thấp nhất ghi nhận hồi đại dịch COVID-19.

Lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng tại 4 ngân hàng trên giảm còn 3,5%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng còn 4,5%/năm.

Ngay sau đó, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng áp dụng lãi suất huy động mới đối với kỳ hạn 6 tháng là 4,7%/năm; kỳ hạn 9 tháng là 4,6%/năm. Các mức này đều giảm 0,4 điểm % so với trước.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) giảm lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 6,5%/năm xuống còn 6,1%/năm; kỳ hạn 6 tháng giảm từ 6,9%/năm xuống còn 6,5%/năm.

Tại Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 tháng giảm từ 0,25-0,3%/năm; Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) giảm 0,6-0,7%/năm lãi suất các kỳ hạn 6 và 12 tháng; Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) giảm từ 0,4-0,5%/năm với kỳ hạn 6 và 12 tháng...

Còn đối với lãi suất cho vay, đã có thêm nhiều ngân hàng công bố hạ lãi suất đối với khách hàng hiện hữu, đồng thời tung ra các gói vay ưu đãi mới nhằm kích cầu tín dụng những tháng cuối năm.

Dành 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng từ nay đến cuối năm, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) công bố giảm lãi suất từ 1,5-2,5%/năm cho khách hàng đang vay vốn với mục đích sản xuất kinh doanh, mua nhà, mua ô tô, vay tiêu dùng…

Tương tự, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) giảm lãi suất cho vay lên đến 2,6%/năm đối với khách hàng cá nhân hiện hữu.

Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) giảm lãi suất cho vay từ 0,5-2,5%/năm đối với dư nợ hiện hữu của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau. Tổng số tiền giảm lãi suất dự kiến lên tới 350 tỷ đồng, tương ứng số dư nợ được giảm là 64.000 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) cũng triển khai nhiều combo sản phẩm dịch vụ với lãi suất cho vay từ 6,3%/năm nhằm đáp ứng nhu cầu bổ sung vốn của khách hàng cá nhân để phục vụ đời sống, kinh doanh... Riêng các khách hàng đang có các khoản vay hiện hữu tại Vietbank, nếu đăng ký vay thêm sẽ được giảm thêm biên độ lãi suất vay ưu đãi lên đến 0,5%/năm nếu thỏa các điều kiện của chương trình.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) triển khai nhiều gói vay có tổng giá trị lên đến 5.000 tỷ đồng, lãi suất từ 6,5% mỗi năm. Trong đó, với các khoản vay mua nhà, khách hàng có cơ hội hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm và vay mua ô tô với lãi suất từ 9,5%/năm.

Dù đã hạ nhiệt nhưng lãi suất dành cho các khoản vay hiện hữu vẫn ở ngưỡng cao, khoảng trên 10%/năm.

Theo ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, tín dụng là đòn bẩy rất quan trọng trong tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp rất mong được tiếp tục giảm lãi suất, giảm các loại phí dịch vụ ngân hàng, phí định giá, đấu giá...

"Lãi suất mà doanh nghiệp có thể hấp thụ hiệu quả ở mức khoảng 6-7%/năm", ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết: “Vietcombank cam kết từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục lộ trình giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng. Toàn bộ khách hàng có dư nợ hiện hữu đều được giảm lãi suất. Theo tính toán sẽ có hơn 200 nghìn khách hàng được giảm lãi suất, với tổng dư nợ bình quân là khoảng 700 nghìn tỷ đồng".

Với quyết định này, ông Tùng chia sẻ Vietcombank sẽ giảm khoảng 1.800 tỷ lợi nhuận trong năm 2023.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm. Lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng hơn 1% so với cuối năm 2022. Dù vậy, tính đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56% so với cuối năm 2022.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng luôn chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp. Thống đốc đề nghị các ngân hàng rà soát, thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tham mưu để có thể điều chỉnh tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống.

Về phía các doanh nghiệp, Thống đốc nhấn mạnh cần chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng cung cấp đầy đủ, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời.

Theo dự báo của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6-6,2%/năm trong nửa cuối năm 2023. Trong khi đó, lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm và việc ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.

VNDirect cho rằng lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong những quý tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục