Lai Vung mùa quýt chín

10:31' - 22/01/2023
BNEWS "Vương quốc” quýt hồng Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp vốn đã có tiếng trên cả nước nhờ sở hữu sản phẩm thứ thiệt. Nay những vườn quýt còn mở cửa làm du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Thường vào giáp Tết, du khách đến Lai Vung sẽ hòa mình với thiên nhiên, đắm say với những vườn quýt bạt ngàn, trĩu quả. Mùa vụ đón khách du lịch ở miệt vườn Lai Vung chỉ kéo dài hơn 1 tháng từ Tết Nguyên đán trở lại. Khi đó, vườn quýt đã bắt đầu ngả màu vàng đẹp óng, cây lúc lắc quả, bắt đầu hấp dẫn du khách đến thăm quan chụp ảnh và có thể thưởng thức trái tại vườn.

Dẫn đoàn du khách đi sâu vào sau nhà là vườn quýt rộng mênh mông, cây nào cũng trĩu quả đang ngả sắc vàng đón nắng, ông Đoàn Anh Kiệt, ấp Long Khánh A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung chia sẻ, cây quýt hồng cho hiệu quả kinh tế cao mà chưa loại cây nào có thể vượt được ở vùng đất này. Bà con nơi đây rất gắn bó và chăm chút từng cây như những đứa con của mình.

Năm nay, hoạt động sản xuất đã quay trở lại bình thường như trước dịch COVID nên ông Đoàn Anh Kiệt đã sớm chuẩn bị để đón du khách từ tháng 11 âm lịch. Với mô hình du lịch theo hộ gia đình, nên gia đình ông chỉ tận dụng nguồn nhân lực trong họ hàng để phục vụ du khách cho chu đáo. Vào cao điểm, ông cũng tạo thêm việc làm cho những người dân xung quanh. Tham quan, chụp ảnh, ngoài thưởng thức quýt tại vườn, gia đình ông cũng mở thêm các dịch vụ ăn uống phục vụ du khách tham quan.

Ông Đoàn Anh Kiệt có thể được xem là người đầu tiên ở huyện Lai Vung tiếp cận với làm du lịch miệt vườn. Cơ duyên đến với lĩnh vực du lịch được ông chia sẻ là năm 2014, con gái ông làm việc ở Tp. Hồ Chí Minh dẫn bạn bè về quê tham quan vườn quýt hồng đang vào mùa trái trĩu quả, chụp ảnh rồi đăng lên mạng xã hội, thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người. Trước những câu hỏi như tại sao chủ vườn không mở cửa vườn quýt hồng đón khách đến tham quan?. Năm 2015 ông đã mạnh dạn chăm sóc thật kỹ vườn quýt hồng 5.000 m2 của gia đình thành điểm đón khách du lịch.

Sau gần 10 năm làm du lịch miệt vườn, điểm tham quan vườn quýt Hai Kiệt được du khách cả nước tìm đến ngày càng đông. Du khách mua vé vào tham quan được thỏa thích chụp ảnh lưu niệm, hái mua những trái quýt ửng hồng, căng tròn, tươi đẹp từ trên cành để mang về tặng người thân, bạn bè. Đến tham quan, du khách còn được thưởng thức các món ăn mang hương vị đồng quê chế biến theo kiểu ẩm thực miệt vườn.

Nhìn vườn quýt đang từng ngày ngả màu ửng hồng, ông Đoàn Anh Kiệt cho biết, sản lượng quýt năm nay của vườn cũng chỉ đạt khoảng 10 tấn, giảm 50% so với những năm 2016, 2017. Bởi thời gian vừa qua, cây quýt hồng bị bệnh vàng lá thối rễ, toàn huyện Lai Vung bị thiệt hại khá nặng nề.

Cao điểm dịch bệnh, riêng vườn quýt gia đình ông giảm sản lượng xuống còn khoảng 4-5 tấn (năm 2020). Trước tình hình đó, huyện Lai Vung có chủ trương khắc phục, phục hồi cây quýt hồng. Thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nên vườn quýt của gia đình ông năm nay đã dần khôi phục sản lượng.

Hiểu được nguyên nhân gây bệnh vàng lá thối rễ, cùng với sự hướng dẫn của ngành nông nghiệp và các chuyên gia nghiên cứu của trường Đại học Cần Thơ, ông Đoàn Anh Kiệt đã áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ là chính. Không chỉ vậy, ông Kiệt cũng nhận thấy, sau khi từng bước sản xuất theo hướng này chất lương quýt cũng ngon hơn, màu quýt cũng đẹp hơn và hấp dẫn du khách hơn.

Du khách trải nghiệm bơi xuồng trong vườn quýt. Ảnh: Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Toàn huyện Lai Vung hiện chỉ có 7 điểm tham quan vườn quýt và 1 điểm tham quan vườn cây ăn trái. Do thời gian thu hút khách du lịch tham quan vườn quýt rất ngắn nên các chủ vườn đều rất kỳ công chăm sóc cũng như tạo cảnh quan đặc biệt cho vườn của mình. Từ ngày thay đổi tư duy đột phá làm du dịch miệt vườn, các chủ vườn đều nhận thấy, thu nhập tăng lên khá nhờ mở vườn làm du lịch. Từ việc bán vé đến bán trái cho khách du lịch và phục vụ ăn uống đã đem về thu nhập cho các gia đình vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Để tạo điểm nhấn cho du khách, những hộ như gia đình ông Đoàn Anh Kiệt luôn phải tạo nét đổi mới trong các vườn cây, kết hợp với những điểm nhấn về phong cảnh. Ông cũng dần nâng cao các dịch vụ đón, phục vụ du khách để tạo nên những nét đẹp riêng có. Nhưng chất lượng sản phẩm quýt được ông Kiệt xác định là ưu tiên số một để có thể cạnh tranh cũng như tạo dấu ấn với du khách khi đã đến vườn của ông./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục