Lâm Đồng chỉ ra những hạn chế trong quản lý bảo vệ rừng

20:58' - 10/07/2019
BNEWS Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, đồng thời để ra những giải pháp trong thời gian tới.
Trong 2 ngày 9-10/7, HĐND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Kỳ họp thứ 8 nhiệm kỳ 2016 -2021. Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN

Trong 2 ngày 9-10/7, HĐND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Kỳ họp thứ 8 nhiệm kỳ 2016 -2021. Tại kỳ họp này, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, đồng thời để ra những giải pháp trong thời gian tới.

Một số nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp này như: Giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm; Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn; Quy định về việc xét tặng Giải thưởng văn học- nghệ thuật và Giải báo chí tỉnh Lâm Đồng; Biểu giá một số dịch vụ khám- chữa bệnh không thuộc phạm vi của Quỹ bảo hiểm y tế; thông qua Đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; thông qua Danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất và các dự án cần chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng phòng hộ sang mục đích khác…

Phần giải trình tiếp thu ý kiến cử tri của người đứng đầu, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt đã đi thẳng vào những vấn đề trọng tâm về kinh tế - xã hội và những nội dung đã và đang được nhiều cử tri và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm.

Theo đó, đối với công tác quản lý bảo vệ rừng, tỉnh đã tập trung chỉ đạo hệ thống chính trị vào cuộc, số vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng... giảm so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy vậy, tình hình vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng vẫn diễn biến hết sức phức tạp như: tình trạng ken cây, phá rừng, hủy hoại rừng bằng phương thức khoan lỗ đổ hóa chất gây chết cây rừng hàng loạt xảy ra tại thị trấn Nam Ban; các xã Tân Thanh, Gia Lâm, Mê Linh, Phúc Thọ thuộc huyện Lâm Hà; xã Đạ Nhim, Đạ Chais thuộc huyện Lạc Dương; xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm.

Thực tế trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 23 vụ nổi cộm về vi phạm Luật Lâm nghiệp; diện tích thiệt hại do phá rừng tăng 8,4 ha; lâm, sản thiệt hại, tăng 1.016,3 m3, tương đương 65% so với cùng kỳ… gây dư luận không tốt về công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng phân tích kỹ một số nguyên nhân khách quan do: cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật chưa đồng bộ; một số cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thật sự quyết liệt thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 30-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh; chưa có giải pháp, biện pháp hợp lý trong công tác kiểm tra, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, số vụ vi phạm chưa phát hiện được đối tượng vi phạm còn nhiều, với gần 50% số vụ được phát hiện, điển hình như huyện Lâm Hà (81%), Đạ Huoai (70%), Đạ Tẻh (57%); trách nhiệm của một số người đứng đầu đơn vị, địa phương trong thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng chưa cao; công tác điều tra, xử lý chưa quyết liệt, chưa triệt để…

Theo báo cáo của tỉnh Lâm Đồng, trong 6 tháng đầu năm 2019, tỉnh đã thực hiện đạt và vượt một số chỉ tiêu chủ yếu như: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,15% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, tốc độ khu vực công nghiệp- xây dựng tăng 9,48% so với cùng kỳ; tiến độ thu ngân sách đạt mục tiêu đề ra, ước thu 4.393,6 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu ước 371,3 triệu USD; khách du lịch tới tỉnh khoảng 3.735 nghìn lượt người; tổng số lao động được giải quyết việc làm đạt 18.000 người…

Tại kỳ họp này, các đại biểu cũng đã bỏ phiếu miễn nhiệm 3 chức danh Ủy viên UBND tỉnh do những người này đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. Đồng thời bầu các ông Võ Văn Hoàng-Trưởng ban Dân tộc tỉnh, Nguyễn Ngọc Ánh-Chánh thanh tra tỉnh và bà Phạm Thị Hồng Hải-Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo làm Ủy viên UBND tỉnh Lâm Đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục