Lâm Đồng nhân rộng mô hình hợp tác, sản xuất cà phê bền vững

15:27' - 10/12/2017
BNEWS Ngày 10/12, tại thành phố Đà Lạt, đã diễn ra Hội thảo"Mở rộng mô hình hợp tác hiệu quả, liên kết chuỗi và phát triển bền vững: kinh nghiệm thực tiễn từ ngành hàng cà phê”.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Ngày 10/12, tại thành phố Đà Lạt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban điều phối ngành hàng cà phê (VCCB), UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Diễn đàn cà phê toàn cầu (GCP) và Nestlé Việt Nam tổ chức Hội thảo"Mở rộng mô hình hợp tác hiệu quả, liên kết chuỗi và phát triển bền vững: kinh nghiệm thực tiễn từ ngành hàng cà phê”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cây cà phê chiếm một vị trí rất quan trọng trong cơ cấu cây trồng và giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng.

Lâm Đồng hiện có 158.620 ha cà phê, với sản lượng năm 2017 ước đạt 454.000 tấn; diện tích cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng UTZ, 4C (các tiêu chuẩn của Chương trình chứng nhận cà phê thế giới)… đạt 75.493 ha, chiếm 47 tổng diện tích.

Các nhà máy, cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn có công suất chế biến cà phê nhân từ 280.000 – 300.000 tấn/năm, chế biến cà phê bột khoảng 1.650 tấn/năm.

Sản xuất cà phê đã tạo việc làm và ổn định đời sống cho hàng trăm ngàn hộ nông dân và người lao động trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất cà phê của tỉnh Lâm Đồng cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: Thị trường tiêu thụ cà phê của tỉnh chủ yếu là cà phê Robusta mới qua sơ chế; tổn thất sau thu hoạch chiếm trên 10%; sản xuất còn nhỏ lẻ, đa phần cà phê được sơ chế tại hộ gia đình với công nghệ chế biến đơn giản. Hạ tầng cho bảo quản, chế biến còn yếu và thiếu (thiếu sân phơi, kho bảo quản, máy sấy…).

Một bộ phận người dân chưa nhận thức được hết ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn an toàn và chuỗi liên kết nên việc tiêu thụ cà phê và giá cả còn phụ thuộc vào sự biến động của thị trường, thiếu tính bền vững.

Ngoài ra, chế biến cà phê bột và cà phê hòa tan còn chưa tương xứng với vùng nguyên liệu, công nghệ còn đơn giản, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu quy mô lớn.

Bên cạnh đó, trên 80% sản lượng cà phê trước khi bán ra thị trường được nông dân trên địa bàn thu hái, bảo quản, cất giữ với các kỹ thuật hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng cao.

Đại diện công ty phân bón Bình Điền, Lâm Đồng cho rằng: Vấn đề quan trọng về dinh dưỡng cho cây cà phê trong canh tác bền vững là bón kết hợp giữa hóa học với hữu cơ, bón cân đối NPK và cung cấp đầy đủ trung vi lượng cho vườn cà phê, tăng cường sử dụng phân bón lá.

Trong chuỗi sự kiện Ngày Cà Phê Việt Nam lần đầu tiên tại Đà Lạt (Lâm Đồng), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác đã thăm thực địa hộ nông dân Nguyễn Đăng Tỉnh, tại Nam Ban, huyện Lâm Hà.

Đây là hộ nằm trong chuỗi liên kết của dự án NESCAFE plan Lâm Đồng, Bộ trưởng đã ghi nhận những hiệu quả của dự án thông qua các kết quả thực tế trên vườn: năng suất cao gấp đôi năng suất trung bình của ngành, thực hành nông nghiệp bền vững như: sử dụng phân vi sinh từ vỏ cà phê, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong suốt 10 năm, tưới tiết kiệm và xem đây là một hình mẫu trong hoạt động liên kết chuỗi cần được nhân rộng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục