Lâm Đồng nỗ lực ổn định sản xuất tại vùng chè Cầu Đất

10:12' - 07/10/2015
BNEWS Công ty TNHH Fusheng (Đài Loan, Trung Quốc) vừa gửi thông báo tạm ngừng việc thu mua chè từ ngày 1/1/2016 đến toàn bộ hộ dân Đà Lạt đã ký kết hợp đồng trồng chè nguyên liệu với công ty này.

Vùng chè Cầu Đất hiện tại vẫn đang sản xuất tốt. Ảnh: Hoàng Kha/TTXVN

Từ sự kiện nữ doanh nhân Hà Thúy Linh, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Lâm Đồng, Giám đốc Công ty TNHH Hà Linh bị sát hại tại Trung Quốc đến sự kiện Công ty TNHH Fusheng thông báo ngưng việc thu mua chè nguyên liệu của dân từ ngày 1/1/2016 đã gây xôn xao dư luận tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Nhiều đơn vị báo chí, thông tin cũng đã nhanh chóng nêu thực trạng vấn đề này. Tuy nhiên, một số vấn đề được ‘thổi phồng’ đã làm cho người trồng chè hoang mang.

Ngày 6/10, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nói UBND tỉnh Lâm Đồng đã khảo sát công nợ, chè nguyên liệu của Công ty TNHH Hà Linh sau khi bà Hà Thúy Linh bị sát hại và giúp cử ra ban chấp hành lâm thời điều hành công ty.

Hiện tại, công ty này còn 17 tấn chè chưa bán được, đồng thời tạm ngưng hoạt động sản xuất cho đến khi thi thể bà Hà Thúy Linh được đưa từ Trung Quốc về nước và mai táng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản đề nghị các công ty chè Cầu Đất, Tâm Châu, Long Đỉnh trên địa bàn tỉnh hỗ trợ giúp Công ty Hà Linh thu mua chè nguyên liệu của những hộ nông dân có ký kết hợp đồng bao tiêu tại vùng chè Cầu Đất.

Vùng chè Cầu Đất là vùng trồng chè Oolong số một cả nước với 180ha, thuộc 2 xã Trạm Hành và Xuân Trường (thành phố Đà Lạt). Tại đây có 4 công ty chè tham gia trồng và thu mua của dân để chế biến chè thành phẩm. Công ty Hà Linh có ký kết hợp đồng với 42 hộ dân, diện tích 40 ha; trong đó xã Xuân Trường có 17 hộ. Thời gian khai thác chè mỗi đợt là 2 tháng, trong khi đó vụ án mạng bà Hà Thúy Linh xảy ra hôm 22/9, tức những vườn chè vào kỳ khai thác của người dân ký kết với đơn vị này là không nhiều.

Ông Cao Văn Tạo, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần chè Cầu Đất (thành phố Đà Lạt), cho biết Công ty đã nhận văn bản của UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu hỗ trợ cho công ty Hà Linh thu mua chè nguyên liệu của dân. Hiện tại, công ty đang sản xuất bằng chè nguyên liệu do đơn vị tự sản xuất. Tuy nhiên, đợt sản xuất nguyên liệu của công ty kéo dài khoảng 20 ngày mỗi tháng. Thời gian còn lại, công ty có thể thu mua chè trong vùng nguyên liệu của công ty Hà Linh.

Một nông dân trồng chè tại Cầu Đất đang thu hoạch chè. Ảnh: Hoàng Kha/TTXVN

Công ty chè Cầu Đất hiện có năng lực sản xuất 1,8 tấn chè Oolong và 5 tấn chè cành các loại mỗi ngày nên sẽ tiêu thụ một phần khá lớn cho người dân. Tuy nhiên, ông Tạo cũng nêu rõ đó là giải pháp trước mắt vì hiện tại thị trường tiêu thụ chè rất khó khăn.

Trong khi đó, Công ty TNHH Fusheng, 100% vốn Đài Loan (Trung Quốc), chuyên sản xuất, chế biến chè xuất khẩu đã gửi thông báo đến toàn bộ người dân ký kết hợp đồng trồng chè nguyên liệu là sẽ ngưng việc thu mua từ ngày 1/1/2016. Bà Lê Thị Thanh Định, Phó giám đốc Công ty Fusheng, nói hiện tại, việc tiêu thụ chè rất khó khăn.

Kho hàng của công ty vào thời điểm ra thông báo cho nông dân còn tồn 60 tấn và hiện đã lên 70 tấn. Việc khó khăn đầu ra cho sản phẩm chè bắt đầu từ tháng 4 đến nay.

Vì sợ công ty tiếp tục khó khăn sẽ dẫn đến vấn đề gặp khó trong quá trình hợp tác với người dân nên công ty đã gửi thông báo cho người trồng chè biết rõ – bà Định nhấn mạnh. Tuy nhiên, công ty đã mở rộng lĩnh vực hoạt động sang trồng và xuất khẩu lan vũ nữ được mấy năm nay nên cũng đã thông báo đến các hộ dân trồng chè có thể phối hợp với công ty chuyển đổi sang trồng hoa lan. Trước đó, công ty cũng đã khuyến khích một số hộ dân chuyển đổi sang đơn vị thu mua khác và cũng đã có hộ chuyển.

Theo bà Định, công ty Fusheng hiện có hợp đồng hợp tác bao tiêu chè nguyên liệu với 27 hộ dân, diện tích 45ha. Theo ràng buột hợp đồng giữa các bên, thời gian hợp tác là 20 năm, nếu công ty chấm dứt thu mua trước khi hợp đồng chấm dứt sẽ phải đền bù một năm thu mua cho nông dân.

Tuy nhiên, bà Định cũng nói rõ vì khó khăn trước mắt và thị trường chưa có dấu hiệu khá lên nên mới có thông báo dừng thu mua. Trong trường hợp từ nay đến cuối năm 2015, nếu thị trường có chuyển biến tốt, sản phẩm của công ty được tiêu thụ hết thì công ty sẽ có thông báo khác cho người dân.

Trước thực tế đó, có một vài hộ dân hoang mang. Tuy nhiên, phần lớn các hộ trồng chè vẫn tiếp tục ổn định sản xuất. Bí thư Đảng ủy xã Trạm Hành ông Trần Thanh Trí cho biết khi nghe tin công ty Fusheng có thông báo dừng thu mua chè nguyên liệu từ ngày 1/1/2016, Đảng ủy, chính quyền xã đã động viên người dân trong xã vẫn giữ vững, ổn định sản xuất, không vội vã quyết định giữ hay bỏ cây chè.

Đến thời điểm trên, nếu công ty không thu mua, chắc chắn chính quyền thành phố và xã sẽ có những giải pháp, khuyến nghị cho người dân.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Xuân Trường Nguyễn Văn Dũng cũng nói: “Quan điểm của xã là giữ vững và ổn định vùng chè nguyên liệu cao cấp này. Nếu thật sự có khó khăn thì chính quyền các cấp cùng người dân từng bước tháo gỡ. Chắc chắn, sản phẩm chè nguyên liệu cao cấp của vùng Cầu Đất này không sợ bị… ế”./.

Hoàng Kha – Đặng Tuấn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục