Lâm Đồng thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để tạo bứt phá

21:56' - 07/01/2017
BNEWS Do chưa kết hợp trồng trọt với chăn nuôi và phụ thuộc vào thị trường nên nhiều hộ dân ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, đã không tạo được “bứt phá” để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vươn lên làm giàu.
Thu hoạch cà phê tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: TTXVN 
Do năng lực sản xuất chưa đủ mạnh, chưa kết hợp trồng trọt với chăn nuôi để giảm chi phí và phụ thuộc vào thị trường nên nhiều hộ nông dân dù đã được hỗ trợ vốn nhưng cũng không tạo “bứt phá” để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vươn lên làm giàu. Đó là thực trạng tại nhiều địa phương huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. 

Theo chân cán bộ ngân hàng chính sách tỉnh Lâm Đồng, phóng viên đến tổ vay vốn thôn Tân Lạc 2 (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh) có 48 thành viên, với dư nợ hơn 1 tỷ đồng đều làm thuần cà phê, nhưng chưa có hộ nào bứt phá về chuyển đổi cơ cấu hay giàu lên từ nguồn vốn tín dụng chính sách. 

Đi khắp xã Đinh Lạc vào những ngày trước Tết, phóng viên đều thấy cà phê đắp bạt, hoặc đổ đống, hay cứ để nguyên trên sân phơi mưa… vì hai tháng nay, mưa dầm, các lò sấy cà phê không đủ tải… Không giống thời gian này năm trước – khô hạn đến mức phải tháo nước thủy lợi mà vẫn không đủ để bà con tưới cà phê… 

Người dân Tây Nguyên đều biết, trồng cà phê rất cực, nếu thời tiết thuận lợi người chủ chỉ được 1/3 doanh thu, còn lại phân tro - nước tưới 1/3, công hái 1/3… nếu thời tiết khó khăn thì chủ chỉ thu được ¼… Mỗi năm, nếu chăm bón đủ, cà phê cần 1 đợt phân chuồng, 2 đợt phân hóa học, nếu không năng suất sẽ giảm. Người dân Tây Nguyên trước kia chỉ làm thuần cà phê, thu một vụ/năm. Nhưng nay, thu nhập từ cà phê tính ra là thu nhập thấp nhất so với các loại cây trồng vật nuôi khác. 

Xã nông thôn mới Đinh Lạc có hơn 3.300 ha đất tự nhiên. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp tập trung vào cây cà phê, xen canh bơ, sầu riêng; chăn nuôi đang phát triển bò thịt và bò sữa. Ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch xã Đinh Lạc cho biết, cả xã chỉ có khoảng 1 ha cà phê chuyển đổi sang trồng cỏ nuôi bò, còn lại chưa có sự đột phá, chăn nuôi chủ yếu là gà đẻ. Nguồn phân chuồng bón cho cà phê phải đi mua từ Phan Rang, Đồng Nai… Ngoài mùa thu hoạch cà phê, dân ở xã Đinh Lạc đi làm ăn xa rất nhiều, tới cả nghìn người, nhiều nhà chỉ còn người già và trẻ em. 

Xã Đinh Lạc đang có chiều hướng phát triển mạnh về chăn nuôi, cụ thể, ngày 16/12, xã ra mắt tổ chăn nuôi lợn theo mô hình VietGap. Các hộ dân khẳng định, gia đình khó khăn mới đi vay vốn, nhưng để đầu tư chăn nuôi cần vốn rất lớn, nhất là vùng quy hoạch chăn nuôi bò sữa – mỗi con giống có giá từ 20 đến 30 triệu đồng, nên cần vốn nhiều hơn… 

Ông Nguyễn Văn Sỹ, ngụ tại xã Đinh Lạc, có 8 sào cà phê, nhưng hoàn cảnh khó khăn do vợ bị ốm phải đi chạy thận nhiều năm nay đang vay vốn hộ nghèo 30 triệu để chăm sóc cà phê và nuôi gà… Gia đình bà Nguyễn Thị Chinh cũng đang vay vốn học sinh sinh viên 33 triệu cho hai người con, một vừa tốt nghiệp đại học, một vừa vào năm thứ nhất. Nhà có 1,5 ha cà phê, năm nay thu 4 tấn cà phê tươi… Bà Chinh chia sẻ, nhà có 2 đứa con cùng đi học, mỗi tháng hết 5-6 triệu nên vay vốn để con chăm chú học hành, chứ không khó khăn đến nỗi phải vay hộ nghèo… 

Được cả hệ thống chính trị vào cuộc sát sao, được Ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay đúng mục đích, nguồn vốn tín dụng chính sách ở Đinh Lạc chủ yếu giúp bà con chăm sóc cà phê và tạo điều kiện cho con em học hành… Xã Đinh Lạc được đánh giá là tham gia hoạt động tín dụng chính sách khá tốt, 9 chương trình tín dụng chính sách với dư nợ trên 16,6 tỷ đồng thông qua 19 tổ tiết kiệm và vay vốn với 763 hộ vay, nợ quá hạn chỉ còn 1,6 triệu, chiếm dưới 0,02%. 

Một thực tế khác là các địa phương vẫn chưa sử dụng hết định mức cho vay tối đa (50 triệu), trung bình chỉ có 21 triệu/hộ, nên tình hình sản xuất của các hộ vay vốn tín dụng chính sách đều bình bình như nhau, chưa có hộ nào bứt phá. 

Ông Đặng Đức Hiệp, Giám đốc Sở Tài chính Lâm Đồng, thành viên Ban đại diện Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Lâm Đồng trong chuyến công tác ở huyện Di Linh cho biết, cây cà phê ở Tây Nguyên có vị trí chiến lược, nên cần phải có cơ chế chính sách riêng cho cà phê. Di Linh là vùng nguyên liệu cà phê, nếu không phát triển chăn nuôi là thất bại vì cà phê không thể thiếu phân chuồng được. Giá là do thị trường quyết định, nên bà con phải tìm cách giảm chi phí mới khá lên. 

Bên cạnh đó, huyện cũng cần có chủ trương chuyển tổ vay vốn sang tổ hợp tác sản xuất để tăng hiệu quả của vốn vay, liên kết sẽ hỗ trợ sản xuất tốt hơn (mua phân bón, phòng ngừa sâu bệnh, góp tiền mua lò sấy, đổi công…); đặc biệt, gắn nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách với định hướng sử dụng vốn để phát triển sản xuất, giúp các hộ thoát nghèo./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục