Làm gì để hội nhập sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu?

16:21' - 11/10/2019
BNEWS Hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, sản xuất tiên tiến và đẩy mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ được xem là chìa khóa để tăng cường chuỗi giá trị sản xuất.
Hà Nội đã hình thành một số khu công nghiệp chuyên sâu về công nghiệp hỗ trợ. Ảnh minh họa: TTXVN

Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, đối phó với những thách thức và tìm giải pháp tăng trưởng kinh tế bền vững. Do đó, hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, sản xuất tiên tiến và đẩy mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ được xem là chìa khóa để tăng cường chuỗi giá trị sản xuất, đáp ứng với yêu cầu thị trường quốc tế.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế hàng đầu Việt Nam về Máy công cụ và Giải pháp gia công kim loại – Matalex Vietnam, tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, ngày 11/10.

*Thúc đẩy hợp tác khu vực

Theo phân tích của ông Adhip Mitra, Tổng Thư ký Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Kỹ thuật Ấn Độ - EEPC India, hiện nay là thời điểm thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, tạo động lực tăng trưởng các ngành công nghiệp lên một nấc thang mới.

Việc hình thành những điểm đến gặp gỡ, giao thương… sẽ hỗ trợ nhà sản xuất, kỹ sư và nhà công nghiệp có thể nâng cao năng lực, kiến thức, ý tưởng và nguồn cảm hứng để tạo ra các chiến lược mới, cũng như tìm kiếm các mối quan hệ đối tác tiềm năng.

Cùng quan điểm, ông Apirat Sugondhabhirom, Tổng Lãnh sự, Lãnh sự quán Thái Lan tại Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của nền kinh tế thế giới, nhất là những nền kinh tế lớn, Việt Nam và Ấn Độ nổi lên với tốc độ tăng trưởng cao và là những thị trường tiềm năng.

Theo đó, muốn tăng trưởng đẩy mạnh chuỗi giá trị và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đối với Thái Lan cũng như Việt Nam và Ấn Độ là đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh. Riêng với ngành công nghiệp hỗ trợ, các quốc gia cần thay đổi tư duy đổi mới sáng tạo và tăng kết nối xúc tiến thương mại, đầu tư mang tính khu vực và quốc tế.

Khung hợp tác khu vực giữa các nước đã được hình thành trong nhiều năm nay; trong đó, có lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, kỹ thuật công nghệ cao… Thái Lan kỳ vọng sẽ kết nối với nhiều quốc gia trong đa dạng ngành nghề, lĩnh vực để cùng vượt qua những thách thức toàn cầu, tăng cường mối quan hệ đối tác nhằm hướng đến những mục tiêu phát triển kinh tế.

Ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám đốc Công ty Reed Tradex Vietnam cho biết, ngành sản xuất vẫn là động lực phát triển chính của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức và không ít khó khăn cho các nhà sản xuất Việt Nam. Đặc biệt, các nhà sản xuất phải tìm lời giải cho bài toán làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp chính thức của các tập đoàn toàn cầu.

*Tạo chuỗi liên kết sản xuất

Thống kê tại Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, có gần 11.000 doanh nghiệp hoạt động trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay là hơn 17%/năm.

Bên cạnh đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2020, tỷ lệ nội địa hóa của 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 2 ngành công nghiệp truyền thống (dệt – may và da – giày) là 66% và đến năm 2025 là 70%. Thành phố đã và đang cụ thể hóa nhiều chương trình hành động; trong đó, có đầu tư và phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu; đồng thời, phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các ngành công nghiệp.

Nhằm tạo tiền đề cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu: cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa chất – nhựa - cao su; chế biến tinh lương thực thực phẩm phát triển, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, cần liên kết, hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp có công nghệ cao ở nước ngoài.

Riêng ITPC sẽ phối hợp với nhiều đơn vị xúc tiến trong và ngoài nước, tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến thương mại và đầu tư dành cho cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, ITPC sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thông tin thủ tục hành chính, chính sách ưu đãi, tìm kiếm đối tác phù hợp nhu cầu đầu tư, kinh doanh…

Hiện nay, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng phát triển còn hạn chế như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cung ứng linh phụ kiện, phụ tùng còn yếu, thiếu sự liên kết để tạo thành ”chuỗi liên kết sản xuất”.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động rất lớn đến ngành công nghiệp; trong đó, có ngành công nghiệp hỗ trợ được dự báo sẽ tạo ra sự thay đổi toàn diện về cách thức sản xuất, mô hình kinh doanh, hạ tầng công nghệ thông tin, chế tạo và quy trình tạo ra giá trị như các ngành phục vụ ô tô điện, ô tô tự hành, linh phụ kiện được in từ công nghệ 3D…

Mặt khác, điểm quan trọng hơn là ứng dụng những phương thức quản lý hiện đại, bởi đây chính là nền tảng để đảm bảo cho sự thành công của việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào các ngành công nghiệp. Chính vì vậy, một số chuyên gia cho rằng, bên cạnh cơ chế chính sách hỗ trợ của Chính phủ các quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp phải chủ động cải thiện năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp đầu cuối.

Đây cũng là yếu tố bắt buộc để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia bền vững chuỗi cung ứng toàn cầu. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội phát triển nhưng nếu không có sự thay đổi phù hợp thì sẽ là thách thức đối với doanh nghiệp./.

>>> Nhiều rào cản trong phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục