Làm gì để khuyến khích tư nhân đầu tư nhiều hơn vào phát triển bền vững?

16:41' - 25/10/2019
BNEWS Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, ngân sách nhà nước; theo đó, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Hội thảo Khu vực Kinh tế tư nhân với việc tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Ngày 25/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo Khu vực kinh tế tư nhân với việc tham gia thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ và đạt được nhiều kết quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam cũng luôn thể hiện cam kết mạnh mẽ để thực hiện các mục tiêu theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững với 115 chỉ tiêu và lồng ghép vào tất cả các chủ trương, chính sách, kế hoạch hành động.
"Không thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững nếu không hành động đúng đắn, quyết liệt, đồng bộ từ tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, mọi người dân với sự hợp tác của cộng đồng quốc tế", ông Hiếu nhấn mạnh. 
Bà Nguyễn Thị Luyến, Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, CIEM cho biết, khu vực kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng và đóng góp tích cực vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nói chung và các mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động, phát triển năng lượng, cơ sở hạ tầng bền vững nói riêng.
Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, ngân sách nhà nước; theo đó, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động.
Thời gian qua, khu vực kinh tế tư nhân đã quan tâm và tham gia nhiều hơn vào thực hiện các dự án phát triển nguồn điện năng tái tạo, góp phần tăng nguồn, tạo điều kiện cho việc tiếp cận năng lượng bền vững. Đầu tư tư nhân đã trở thành nguồn lực quan trọng, là “phao cứu sinh” đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, bà Luyến cho rằng, sự tham gia, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong thực hiện muc tiêu phát triển bền vững còn khiêm tốn; mức đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân chỉ chiếm tối đa 12% lượng đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
Nguyên nhân là do khu vực kinh tế tư nhân còn yếu, các doanh nghiệp khu vực tư nhân có quy mô quá nhỏ, thiếu vốn, năng suất lao động thấp, hiệu suất kinh doanh thấp, trình độ quản trị công ty còn hạn chế, thiếu liên kết, công nghệ lạc hậu… hạn chế về kinh nghiệm so với các đối tác trên thế giới, khiến cho rào cản tham gia vào các dự án năng lượng cũng như cơ sở hạ tầng bền vững.
Bên cạnh đó, khung pháp lý, cơ chế chính sách chưa đầy đủ để thúc đẩy, khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Tổng biên tập, Tạp chí kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngoài tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng hiệu quả, chúng ta nên có phân tích, số liệu minh hoạ sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; đồng thời, cần phân tích rõ thêm nhu cầu điện thời gian tới ra sao? để làm rõ sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân.
Để khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Luyến đề xuất cần tập trung giải quyết các điểm nghẽn cản trở khu vực sản xuất, đầu tư và phát triển kinh tế tư nhân; đồng thời, rà soát, xóa bỏ tất cả những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần hoàn thiện khung pháp luật và chính sách đào thải doanh nghiệp yếu kém để các doanh nghiệp có năng suất thấp dễ dàng thoát lui khỏi thị trường; đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách kiến tạo để phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh; tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhận lớn và lớn được.
Bà Nguyễn Thị Luyến cho biết thêm, Chính phủ cần tạo dựng môi trường thuận lợi, xây dựng, khuyến khích hình thành và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo và start up, hướng dân và đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, năng lực tổ chức sản xuất, năng lực tiếp nhận và áp dụng công nghệ mới nhằm tạo ra một làn sóng khởi nghiệp và tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ trong xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục