Làm gì để kinh tế Việt Nam phát triển sau dịch COVID-19?

15:15' - 15/05/2020
BNEWS Theo TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, dịch COVID-19 làm tác động tới cả cung và cầu nhưng sau dịch lại là yếu tố để kích phát việc thay đổi chuỗi cung ứng.

Ngày 15/5, Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức tọa đàm chuyên đề “Làm gì để kinh tế Việt Nam phát triển sau dịch COVID-19”.

Theo đánh giá của TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, dịch COVID-19 làm đứt chuỗi cung ứng, tác động lớn tới cả cung và cầu nhưng sau dịch lại là yếu tố để kích phát việc thay đổi chuỗi cung ứng. Nói cách khác đây là cơ hội thay đổi, vấn đề là nối lại, thay hay tạo chuỗi cung ứng mới và làm như thế nào cho phù hợp.

Ví dụ với ngành giáo dục, dịch COVID-19 xảy ra không phải để kết thúc năm học mà là lúc để xem xét thay đổi hệ thống giáo dục, chứ không chỉ trở lại trường cũ và vẫn như cũ để rồi kết thúc năm học.

"Với nền kinh tế Việt Nam, nên tập trung vào các doanh nghiệp còn nguồn lực để vực dậy và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bởi nếu cứu các doanh nghiệp cũ thì sau dịch vẫn là nền kinh tế cũ. Trong khi giai đoạn mới cần khuyến khích doanh nghiệp mới”, ông Thiên nói.

Hiện Việt Nam đang trong giai đoạn “bình thường mới” về mọi mặt; trong đó đặt ra cho nền kinh tế hai vấn đề là “có cơ trong nguy” và “có nguy trong cơ”.

Đặc biệt chú ý đến vấn đề “có nguy trong cơ”, ông Thiên ví dụ, cơ hội như dòng vốn đầu tư nước ngoài tràn vào, giá hàng hoá bán cho các nước đang thiếu phải tăng lên. Khi xảy ra xung đột thương mại, ta bàn xem cơ hội thế nào? Mà nếu bỏ lỡ cơ hội lại thành nguy.

Cùng với đó, nền kinh tế Việt Nam có tới 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, không có tính kết nối chuỗi nên cũng khó phục hồi hơn.

Đối mặt với nguy cơ hiện hữu, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam cần giải quyết khả năng đứng dậy của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thoát khỏi lệ thuộc phát triển vào Trung Quốc và Hàn Quốc, tăng cường năng lực tham gia chuỗi cung ứng mới.

Về phía các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Thiên cho rằng, bản thân các doanh nghiệp phải nhận diện được vấn đề do dịch COVID-19 đặt ra, từ đó có biện pháp tăng khả năng thích nghi. Còn đối với cơ quan quản lý Nhà nước có thể nới lỏng chính sách thuế, điểu chỉnh giá điện… đối với các doanh nghiệp này.

Theo ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đều quan trọng và cần thiết đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy nhiên cần có quy định rõ mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với doanh nghiệp để áp dụng gói cứu trợ phù hợp như gói từ ngân sách 62 nghìn tỷ đồng, trong đó cho vay 16 nghìn tỷ đồng với lãi suất 0 đồng để trả lương cho công nhân; gói giãn bảo hiểm, giãn thuế và gói hỗ trợ tín dụng từ phía ngân hàng. Nếu không minh bạch sẽ có doanh nghiệp có thể được hưởng cả 3 gói, có doanh nghiệp lại không được hưởng gói nào.

Có thể nói, chỉ khi nhận diện đúng, đủ sự thay đổi của nền kinh tế sau dịch COVID-19 thì Việt Nam mới tận dụng được cơ hội để thay đổi, từ đó bước và chuỗi cung ứng toàn cầu mới một cách bền vững, hiệu quả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục