Lạm phát - bài toán “khó giải” cho BoJ

12:17' - 07/04/2023
BNEWS Khi nhiệm kỳ Thống đốc BoJ của ông Kuroda kết thúc, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Nhật Bản khoảng 0% và khoảng cách giữa mức tăng này với tăng trưởng thực tế cho thấy cầu yếu hơn cung.

Thống đốc sắp mãn nhiệm của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda đã nhận được một bài học đầy khó khăn về việc ngay cả một thập niên thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ chưa từng có là không đủ để đạt được mục tiêu lạm phát 2% mà ông từng đặt ra trong thời gian 2 năm.

Ông Haruhiko Kuroda là người đảm nhiệm vị trí Thống đốc BoJ lâu nhất từ trước đến nay. Thời điểm ông rời nhiệm vào ngày 8/4 tới có thể là thời điểm Nhật Bản sẽ bắt đầu đưa ra các điều kiện để đạt được mục tiêu tăng giá theo đúng nghĩa, đi kèm với tăng lương.

 

Các cuộc đàm phán tiền lương hàng năm, mà được các liên đoàn lao động và ban quản lý theo dõi sát sao, được cho là có kết quả tốt nhất trong nhiều thập niên.

Mức tăng lương ít ỏi, nguyên nhân chính khiến BoJ không tin tưởng vào triển vọng giá cả, có thể thay đổi trong bối cảnh điều kiện thị trường lao động dường như đang thắt chặt.

Mặc dù một số lĩnh vực của nền kinh tế đã cảm nhận thấy những tác động của việc nới lỏng tiền tệ, song nó cũng mang lại một số điều tích cực như hơn 4 triệu việc làm được tạo ra, trong đó nữ giới và người già tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động, việc tăng lượng cơ bản trở lại và Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát.

Cuối tháng 3/2023, ông Kuroda nói rằng sức ép tăng lương gia tăng khi nguồn cung lao động thấp và nền kinh tế tiếp tục phục hồi. Mặc dù chưa đạt được mục tiêu lạm phát 2%, song Nhật Bản đang tiến gần hơn đến mục tiêu đó một cách ổn định nhờ việc tăng lương.

Khi nhiệm kỳ Thống đốc BoJ của ông Kuroda chính thức kết thúc vào ngày 8/4, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Nhật Bản là khoảng 0% và khoảng cách giữa mức tăng này với tăng trưởng thực tế của nền kinh tế cho thấy cầu yếu hơn cung.

Đây không phải là thông tin tốt cho BoJ khi ngân hàng này cho rằng mức lạm phát hiện tại là do chi phí tăng cao hơn khi nhu cầu mạnh, qua đó củng cố quan điểm rằng việc nới lỏng tiền tệ sẽ được thực hiện trong một thời gian nữa khi ông Kazuo Ueda tiếp quản vị trí của ông Kuroda.

Ông Kazuo Ueda là một chuyên gia về chính sách tiền tệ và giảng viên kinh tế của nhiều trường đại học và là cựu thành viên của Hội đồng Chính sách BoJ.

Shinichiro Kobayashi, nhà kinh tế cấp cao tại Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Mitsubishi UFJ, cho biết ưu tiên hàng đầu của ông Kuroda là thoát khỏi tình trạng giảm phát, do đó ông Kuroda đã cam kết sẽ làm tất cả những gì có thể để thúc đẩy lạm phát, theo đó việc nới lỏng tiền tệ dưới thời ông Kuroda đóng vai trò quan trọng.

Ông Kobayashi nói thêm nỗi lo giảm phát đã giảm bớt, nhưng rõ ràng là mục tiêu lạm phát 2% vẫn còn xa. Vì đó là mục tiêu đã được BoJ đưa ra, do đó ngân hàng này không thể rút lại và việc nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục diễn ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục