Lạm phát kéo các chủ doanh nghiệp nhỏ Hàn Quốc vào thế tiến thoái lưỡng nan

08:16' - 30/04/2024
BNEWS Tăng trưởng giá tiêu dùng của Hàn Quốc đã vượt 3% trong tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 3/2024, sau khi giảm xuống dưới mức này vào tháng Một và là lần đầu tiên sau sáu tháng.
Lạm phát tăng vọt kéo theo doanh số bán hàng giảm sau đó đang đẩy các chủ doanh nghiệp nhỏ mắc nợ nặng nề ở Hàn Quốc rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, khi họ sẵn sàng chấp nhận lãi suất cao hơn nếu có thể hỗ trợ kiểm soát lạm phát.

Tăng trưởng giá tiêu dùng của Hàn Quốc đã vượt 3% trong tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 3/2024, sau khi giảm xuống dưới mức này vào tháng Một và là lần đầu tiên sau sáu tháng.

 
Trong tháng Hai, giá thực phẩm và đồ uống không cồn ở Hàn Quốc đã tăng 4,5% so với một năm trước, đánh dấu mức tăng cao thứ 3 trong số các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), sau Thổ Nhĩ Kỳ (71,12%) và Iceland với mức tăng 7,52%. Mức giá tăng cao như vậy đã buộc người tiêu dùng ở Hàn Quốc giảm mua sắm tổng thể, giáng một đòn mạnh vào doanh thu của các chủ doanh nghiệp nhỏ.

Tác động đặc biệt nghiêm trọng đối với các chủ nhà hàng khi giá nông sản, chăn nuôi và thủy sản trong tháng 3/2024 tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất kể từ tháng 4/2021 khi con số này ở mức 13,2%. Giá nông sản tăng đột biến 20,5% vào cùng giai đoạn.

Lạm phát cao dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng do giá dầu được dự báo sẽ tăng trong bối cảnh lo ngại căng thẳng leo thang ở Trung Đông.

Trong bối cảnh đó, nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ bày tỏ mong muốn Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) tăng lãi suất chính sách, vốn được giữ ở mức 3,5% kể từ tháng 1/2023. Lý do đưa ra là vì việc tăng lãi suất chuẩn của BoK chủ yếu nhằm mục đích kiềm chế lạm phát khi nó ở mức cao không thể chấp nhận được. Các doanh nghiệp đưa ra mong muốn này dù họ biết lãi suất cao hơn sẽ khiến việc trả nợ của họ trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên, ông Ha Joon-kyung, Giáo sư Đại học Hanyang, vẫn hoài nghi về hiệu quả tiềm tàng của việc tăng lãi suất đối với việc tiếp thêm sinh lực cho doanh nghiệp. Theo ông, động thái đó sẽ làm trầm trọng thêm khoản nợ hộ gia đình vốn đã ở mức nghiêm trọng của đất nước.

Theo báo cáo gần đây của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tỷ lệ nợ hộ gia đình trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc ở mức 100,1% tính đến quý IV/2023, cao nhất trong số 34 quốc gia được khảo sát.

Giáo sư Ha lưu ý rằng nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ dựa vào chương trình cứu trợ do chính phủ điều hành để cho phép họ trì hoãn việc trả nợ. Chương trình bắt đầu vào tháng 4/2020 để hỗ trợ các chủ doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và những người mắc nợ khác. Kể từ đó, chương trình đã được gia hạn liên tục 6 tháng một lần.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục