Lạm phát ở Chile chạm đỉnh của 28 năm

09:53' - 09/06/2022
BNEWS Ngày 8/6, Viện Thống kê Quốc gia Chile (INE) cho biết Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của quốc gia Nam Mỹ này đã tăng 11,5% trong 12 tháng qua, mức cao nhất kể từ năm 1994.

Theo INE, Chile ghi nhận mức tăng CPI 1,2% trong tháng 5/2022, khiến mức lạm phát tính từ đầu năm đến nay tăng lên 6,1%. Các sản phẩm làm tăng chi phí sinh hoạt nhiều nhất trong tháng trước là đồ uống không cồn và thực phẩm, bao gồm bánh mì, ngũ cốc và nước ngọt, trong khi giá các loại rau củ cũng tăng mạnh.

CPI của các nhóm hàng dịch vụ vận tải và nhiên liệu cho phương tiện giao thông cá nhân cũng tăng rõ rệt.

 

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Chile (BCC) dự báo lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong quý III và sau đó giảm xuống mức khoảng 10%/năm, cao hơn nhiều so với mức 5,6% được dự báo trước đó.

Trong Báo cáo Chính sách Tiền tệ, BCC chỉ ra rằng lạm phát ở Chile sẽ tiếp tục leo thang và đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Ngoài ra, BCC cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 lên 1,5%-2,25%, cao hơn mức 1% - 2% ước tính hồi tháng Ba. Tuy nhiên, Chile không loại trừ khả năng kinh tế suy thoái vào năm 2023.

Trước đó, ngày 7/6, BCC đã tăng lãi suất liên ngân hàng từ 8,25% lên 9,0%, mức cao nhất trong hơn 20 năm, trong nỗ lực kiên trì nhằm kiểm soát làn sóng lạm phát.

Năm ngoái, người dân Chile đã đổ tiền vào tiêu dùng sau khi rút khoảng 50 tỷ USD từ quỹ tiết kiệm lương hưu và các khoản trợ cấp trong bối cảnh đại dịch.

BCC cho rằng sự gia tăng tiêu dùng, việc giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao trên thị trường quốc tế, cùng với những khó khăn trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu đã dẫn đến tình trạng lạm phát hiện tại.

Theo số liệu của INE, trong 20 năm qua, mức lạm phát cao nhất của Chile được ghi nhận vào năm 2007, với 7,8%, tiếp theo là 7,2% vào năm 2021./.

>>Ngân sách chi tiêu của hộ gia đình Mỹ bị thâm hụt nghiêm trọng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục