Làm rõ mục đích sử dụng tiền thu được từ đấu giá biển số ô tô

18:19' - 02/11/2022
BNEWS Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự ủng hộ và cho rằng, Nghị quyết cần làm rõ về giá khởi điểm, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số, việc sử dụng tiền thu được từ đấu giá.

Ngày 2/11, chia sẻ quan điểm về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự ủng hộ và cho rằng, Nghị quyết cần làm rõ về giá khởi điểm, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số, việc sử dụng tiền thu được từ đấu giá.

Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với chủ trương thí điểm thực hiện cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá dựa trên nhu cầu của người dân; đồng thời đề nghị cần bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ trong quá trình triển khai nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước nhưng phải đảm bảo tính minh bạch, tránh trục lợi trong việc cấp biển số xe.

Để bảo đảm hiệu quả trong tổ chức thực hiện, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có giải trình, làm rõ một số nội dung để có cách hiểu thống nhất và đồng thuận cao. Cùng với đó, cần tiếp tục rà soát nội dung Dự thảo Nghị quyết để bảo đảm tính cụ thể, tạo thuận lợi trong nghiên cứu và tổ chức triển khai thực hiện.

 

Nhiều ý kiến băn khoăn về việc xác định biển số để đưa vào đấu giá, cơ quan nào có quyền quyết định dãy số để đấu giá. Cùng với đó là các quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, xử lý thế nào trong một số trường hợp bất khả kháng biển số trúng đấu giá nhưng chưa kịp gắn với xe.

Đồng tình với chủ trương này, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) cho rằng, kho số là tài sản quốc gia, ngoài biển số xe còn nhiều loại số khác có thể đấu giá để “ích nước lợi nhà”, do đó cần nghiên cứu để khai thác hiệu quả, thiết thực. Dự thảo Nghị quyết đang quy định theo hướng số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước. 

Tuy nhiên, trước ý kiến cho rằng, khoản tiền thu được nên sử dụng vì mục đích nhân đạo, vì cộng đồng, đại biểu Nguyễn Chu Hồi đề nghị cần làm rõ hơn việc sử dụng nguồn thu từ đấu giá được sẽ chuyển vào đâu, phục vụ những mục đích gì để Quốc hội có cơ sở nhận diện giám sát.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Vũ Huy Khánh phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Về hình thức, trình tự, thủ tục đấu giá biển số xe, nhiều ý kiến cho rằng nên đa dạng các loại hình đấu giá như trực tiếp hoặc trực tuyến. Theo đại biểu Vũ Huy Khánh (Bình Dương), trong thời gian thực hiện thí điểm, Bộ Công an nên lựa chọn một tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến, kết nối với Hệ thống đăng ký, quản lý xe để đấu giá biển số và đăng ký biển số trúng đấu giá theo quy định. Việc lựa chọn tổ chức đấu giá sẽ được Chính phủ xác định tiêu chí cụ thể.

Theo đại biểu Vũ Huy Khánh, Dự thảo Nghị quyết đã quy định tương đối rõ về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế, biển số trúng đấu giá theo xe.

Trước ý kiến cho rằng đã đấu giá thành, người đấu giá có đầy đủ các quyền về tài sản theo quy định của pháp luật dân sự, đại biểu Vũ Huy Khánh cho rằng, người đấu giá không nhất thiết phải có xe mới được đi đấu giá, chưa có xe nhưng dự kiến sẽ mua xe vẫn được tham gia đấu giá.

Khi trúng đấu giá biển số, trong thời hạn 12 tháng, người trúng đấu giá phải gắn biển số đăng ký với xe. Quá thời gian đó, biển số đã trúng đấu giá không được sử dụng, tức không được gắn với xe để lưu thông, sẽ bị thu hồi.

Trường hợp bất khả kháng, người trúng đấu giá vì những lý do bất khả kháng hoặc chết, sẽ được hoàn lại tiền đã trả cho việc đấu giá, trừ đi các khoản chi phí theo quy định. Khi đã sử dụng biển số, về cơ bản, các quyền tài sản như quyền chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế vẫn được bảo đảm đầy đủ…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục