Làm rõ việc chậm thoái vốn nhà nước, xử lý nợ xấu

16:36' - 06/11/2023
BNEWS Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm; việc thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt rất thấp.

Liên quan đến nội dung này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có giải trình làm rõ trong buổi chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường Quốc hội chiều 6/11.

 

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, nguyên nhân của vấn đề này do bất ổn thị trường tài chính trong nước, cùng với đó tác động đại dịch COVID-19 khiến cho nhu cầu của nhà đầu tư bị hạn chế. Từ đó việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm.

“Đặc thù của doanh nghiệp cổ phần hoá hiện này đều là doanh nghiệp lớn. Thời gian qua, doanh nghiệp, tổng công ty khi tiến hành cổ phần hoá thì sự tham gia của xã hội không nhiều, có doanh nghiệp chỉ cổ phần hoá được 1% như Cienco1-2-3. Đặc biệt trình tự thủ tục, pháp luật liên quan rất phức tạp nên quá trình này diễn ra chậm”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm rõ.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc và chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp này; đồng thời, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu liên quan đối với đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Về lĩnh vực ngân hàng, tại hội trường Quốc hội cũng có ý kiến về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu còn chậm.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận: "Việc tái cơ cấu ngân hàng bình thường đã khó rồi nhưng trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng như biến động của kinh tế thế giới như thời gian qua, tái cơ cấu ngân hàng yếu kém càng khó hơn”.

Việc này chưa có tiền lệ và việc xây dựng đề án tái cơ cấu hệ thống tín dụng là vấn đề phức tạp trong khi năng lực, kinh nghiệm cán bộ xây dựng đề án cũng còn hạn chế. Việc tìm kiếm nhà đầu tư tự nguyện tham gia đề án gặp khó. Việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cần sự đồng thuận từ các cơ quan liên quan.

Thời gian tới, sau khi xin ý kiến cấp có thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện đề án chi tiết, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện.

Trước đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) bày tỏ lo ngại khi có 4 ngân hàng thương mại cổ phần đang trong vòng kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước. Đại biểu đặt vấn đề, đối với các ngân hàng thương mại đang trong diện này, liệu có xảy ra tình trạng giống như vụ việc xảy ra ở Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn thời quan qua hay không?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục