Làm sao để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo?

15:43' - 30/12/2021
BNEWS Mục đích chương trình nhằm triển khai hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội, kinh tế tập thể, hợp tác xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, ngày 30/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đã ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2030.

Mục đích của chương trình phối hợp nhằm triển khai có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Cùng với đó, thực hiện hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Nội dung phối hợp giữa hai cơ quan nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thực hiện chủ trương, chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, từng bước hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Đặc biệt, qua đây nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững.
Theo đó, chương trình phối hợp giữa hai cơ quan tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ của hai cơ quan. Cụ thể gồm phối hợp nghiên cứu, xây dựng và đề xuất với Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế -xã hội, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc miền núi và miền núi.
Ngoài ra, hai bên cùng nghiên cứu và xây dựng các chính sách, chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế -xã hội, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chú trọng tuyên truyền; đào tạo, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp vùng dân tộc thiểu số và miền núi về phát triển kinh tế -xã hội, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Mặt khác, trao đổi thông tin về tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu sốvà miền núi; phối hợp theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, kiến nghị của công dân trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Một trong những nội dung phối hợp đặc biệt quan trọng trong giai đoạn này là hai cơ quan phối hợp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Trong giai đoạn từ 2021-2025, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện nội dung “Hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” của Tiểu dự án 2 “Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế -xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
Đáng lưu ý, trên cơ sở các nội dung, tiểu dự án, dự án Ủy ban Dân tộc được giao chủ trì, Ủy ban Dân tộc giao các Vụ, đơn vị tham mưu hoạt động phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thực hiện một số nội dung tiểu dự án, dự án về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Hơn nữa, hai bên cũng chú trọng đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình ở các cấp; biểu dương, tôn vinh điển hình tiến, phát huy vai trò của Người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào…

Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Hầu A Lềnh nhấn mạnh, việc hai cơ quan ký kết Chương trình phối hợp rất quan trọng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của hai bên cũng như điều kiện đặc thù ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo ông Hầu A Lềnh, việc phát triển kinh tế tập thể sẽ góp phần tạo công ăn việc làm, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, hướng đến thị trường lớn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần khai thác tiềm tăng, thế mạnh, tri thức vùng dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, trong giai đoạn này, Ủy ban Dân tộc được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Để nguồn lực thực hiện Chương trình phát huy hiệu qủa, đạt được mục tiêu của Quốc hội, đáp ứng tâm tư nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương; trong đó, có Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Ông Hầu A Lềnh cũng đề nghị các đơn vị liên quan thuộc hai cơ quan cần cụ thể hóa Chương trình phối hợp thành những nhiệm vụ hàng năm.
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam có báo cáo đánh giá rà soát lại toàn bộ tình hình hoạt động của các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác vùng dân tộc thiểu số và miền núi để làm căn cứ, triển khai hiệu quả các mô hình trong giai đoạn tới cũng như thiết kế hệ thống thông tin báo cáo đảm bảo tính khoa học, thông suốt.
Ông Hầu A Lềnh kỳ vọng, từ nguồn lực của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ dành sự ưu tiên cho phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định, hai năm trở lại đây, hoạt động của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tập trung phần lớn vào địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi vì đây là địa bàn tiềm năng để phát triển chuỗi giá trị. Đặc biệt, tỷ lệ hoạt động hiệu quả trên địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi rất cao.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, giai đoạn tới, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam xác định, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục là địa bàn trọng điểm để triển khai thực hiện các mô hình hỗ trợ.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo tin tưởng rằng chương trình phối hợp giữa hai cơ quan sẽ được triển khai có hiệu quả, đúng đối tượng, địa bàn, phát huy nguồn lực, tạo giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của hai cơ quan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục