Làm sao để kiểm soát nguồn thực phẩm cho bữa ăn của học sinh vùng dịch tả lợn?

09:38' - 15/03/2019
BNEWS Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong bữa ăn của học sinh vùng có dịch, nhiều giải pháp cấp bách để chất lượng bữa ăn của các em không bị ảnh hưởng đã được triển khai.
Nhiều giải pháp được triển khai để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong bữa ăn của học sinh vùng có dịch. Ảnh minh họa: Thanh Thương - TTXVN

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, dịch bệnh tả lợn Châu Phi đã bùng phát ở 10 xã thuộc 2 huyện Yên Định và Thiệu Hóa. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong bữa ăn của học sinh vùng có dịch, ngành Giáo dục tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp cấp bách để chất lượng bữa ăn của các em không bị ảnh hưởng.

Trường mầm non xã Thiệu Phúc là một trong những trường nằm trong vùng xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên trên địa bàn huyện Thiệu Hóa. Cô giáo Hoàng Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thiệu Phúc cho biết: Do nhà trường tổ chức ăn bán trú cho học sinh, nên ngay sau khi công bố dịch, Ban Giám hiệu nhà trường thực sự hoang mang và lo lắng làm thế nào để đảm bảo nguồn thực phẩm sạch cho các em sử dụng trong thời điểm này?

Nhiều bậc phụ huynh cũng đề xuất nhà trường tạm dừng ăn bán trú một thời gian, khi dịch lắng xuống sẽ tổ chức tiếp. Tuy nhiên, sau khi có công văn hướng dẫn, chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thiệu Hóa, nhà trường đã họp Ban Giám hiệu phổ biến đến toàn thể cán bộ, giáo viên trong nhà trường các giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Theo đó, giải pháp trước mắt là tăng cường hơn nữa công tác giám sát nguồn thực phẩm đưa vào trường để tiếp tục tổ chức cho học sinh ăn bán trú. Đối với sản phẩm thịt lợn, bình thường thực đơn của nhà trường chỉ có 2 bữa/tuần. Tuy nhiên, những tuần đầu sau khi phát dịch, để đảm bảo an toàn cho học sinh và không gây tâm lý hoang mang cho phụ huynh, nhà trường tạm thời ngừng sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ lợn.

Theo đó, nhà trường tăng cường các thực phẩm khác thay thế thịt lợn như: Trứng, cá, thịt bò, thịt ngan, thịt gà, lạc, vừng, đậu phụ; rau, củ, quả… để bữa ăn cho các em đảm bảo an toàn và đủ chất dinh dưỡng.

Quan điểm của nhà trường là không “tẩy chay” thịt lợn, bởi lâu nay nhà trường cũng ký hợp đồng với Công ty thực phẩm sạch, có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; có dấu kiểm dịch của các cơ quan chức năng. Sau khi dịch “tạm lắng” nhà trường sẽ tiếp tục sử dụng thịt lợn để chế biến món ăn, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng cho học sinh.

Thời điểm này, nhà trường cử các giáo viên trực tiếp giám sát khi công ty đưa thực phẩm vào nhà trường. Khâu chế biến thức ăn cũng được nhà trường giám sát chặt chẽ. Sau mỗi bữa ăn của học sinh, nhà trường tăng cường giáo viên dọn rửa sạch sẽ khu vực ăn và nhà bếp, bát đũa được khử trùng nước nóng, phơi khô…

Đến nay, sau hơn một tuần xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi, mọi hoạt động giáo dục, ăn bán trú của Trường Mầm non xã Thiệu Phúc đã trở lại bình thường. Phụ huynh cũng đã yên tâm gửi con, cháu cho nhà trường chăm sóc…

Ông Ngô Xuân Dũng, Trưởng phòng Giáo dục huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) cho biết: Trước nguy cơ lây lan nhanh của bệnh tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, ngành Giáo dục huyện đã có văn bản yêu cầu hiệu trưởng các nhà trường tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của bệnh để có những biện pháp phòng tránh.

Các trường cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng thực phẩm, đặc biệt là các trường tổ chức ăn bán trú cho học sinh; tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm thịt lợn không có nguồn gốc xuất xứ và chưa qua kiểm dịch..

Yên Định cũng là một trong hai huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuất hiện bệnh tả lợn Châu Phi. Toàn huyện có 30 trường mầm non tổ chức ăn bán trú cho học sinh với khoảng 9.000 trẻ. Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, ngành Giáo dục huyện Yên Định cũng chỉ đạo các trường học tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bếp ăn.

Nguồn thực phẩm đưa vào trường phải được giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không đưa các sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ. Đối với những địa phương vùng “tâm dịch”, các trường tạm dừng sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ lợn một thời gian. Tuy nhiên, các nhà trường cũng tăng cường nhiều loại thức ăn khác thay thế thịt lợn, để bữa ăn của trẻ được phong phú, đa dạng và trên hết là đảm bảo an toàn.

Có mặt trong bữa ăn của trẻ tại Trường mầm non thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định, mới thấy hết được sự nỗ lực cố gắng của nhà trường trong việc đảm bảo an toàn, chất lượng bữa ăn của trẻ. Nguồn thực phẩm đưa vào trường được giám sát chặt chẽ; khâu chế biến cũng được kiểm soát nghiêm ngặt.

Thức ăn nấu xong được lấy mẫu lưu lại hằng ngày. Khu vực nhà bếp được dọn dẹp gọn gàng, ngăn nắp. Khu vực chế biến thức ăn tươi sống và khu vực bày thức ăn chín cho học sinh được tách riêng biệt…

Cô giáo Hồ Thị Trúc, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định, cho biết: Bình thường, thực đơn của nhà trường chỉ 2 - 3 bữa/tuần có thịt lợn và các sản phẩm từ lợn. Tuy nhiên, do là địa phương xuất hiện dịch bệnh, nên những tuần đầu sau khi công bố dịch, nhà trường ngừng sử dụng thịt lợn để đảm bảo an toàn cho các con.

Đến nay, mặc dù không “tẩy chay” hoàn toàn thịt lợn, nhưng cũng hạn chế từ 3 bữa xuống còn 1 bữa và thay thế bằng các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng khác. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát nguồn thực phẩm đưa vào và khâu chế biến thức ăn cho học sinh được nhà trường kiểm soát chặt chẽ hơn…/.

>>> Thịt lợn rõ nguồn gốc xuất xứ hút người tiêu dùng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục