Làm sao để mua bán trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững?

15:21' - 07/09/2021
BNEWS Thông tư 22/2016/TT-NHNN và Thông tư số 15/2018/TT-NHNN được ban hành có những tác động rất tích cực đến hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Ngày 7/9, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 22/2016/TT-NHNN và Thông tư số 15/2018/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Thông tư 22/2016/TT-NHNN và Thông tư số 15/2018/TT-NHNN được ban hành đã có những tác động rất tích cực đến hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, sau nhiều năm áp dụng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong hoạt động ngân hàng, việc ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là cần thiết để bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng. Đặc biệt là việc bổ sung nội dung quy định về hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch cho hoạt động này.

Để hoàn thiện hơn khuôn khổ pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tại hội nghị có nhiều ý kiến đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét có hướng dẫn đối với một số hoạt động liên quan đến phát hành trái phiếu mà pháp luật đã quy định tổ chức tín dụng được thực hiện.

Ông Nguyễn Thành Long cho rằng, điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng quy định, ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, quản lý tài sản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Thực tế liên quan tới hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, với các khoản trái phiếu mà tổ chức tín dụng đầu tư, để chủ động quản lý, xử lý rủi ro tín dụng thì các tổ chức tín dụng thường vẫn làm đầu mối quản lý tài sản bảo đảm.

Theo ông Nguyễn Thành Long, một số trường hợp, tổ chức tín dụng không đầu tư nhưng với uy tín và kinh nghiệm quản lý, xử lý tài sản bảo đảm, tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn có nhu cầu để các tổ chức tín dụng đứng ra làm đại lý quản lý tài sản bảo đảm, nhưng hiện nay Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn cụ thể nên các tổ chức tín dụng cũng chưa có cơ sở cung cấp dịch vụ này cho khách hàng.

Ông Nguyễn Thành Long cũng chỉ ra một số hoạt động tổ chức tín dụng được phép thực hiện theo các văn bản pháp luật khác như đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn cụ thể để các tổ chức tín dụng được thực hiện hoạt động này. Ngân hàng Nhà nước cần ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của các tổ chức tín dụng liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp để có hành lang pháp lý thực hiện.

Thông tư số 22 được ban hành từ năm 2016 và đã được sửa đổi bổ sung một lần bằng Thông tư số 15 (năm 2018). Từ đó đến nay, các quy định pháp luật liên quan và tình hình thực tế về hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng đã có nhiều thay đổi.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã Dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái trái phiếu doanh nghiệp (không bao gồm trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành) thay thế Thông tư số 22 và Thông tư số 15.

Theo Ngân hàng Nhà nước, Dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa Thông tư số 22/2016/TT-NHNN, Thông tư 15/2018/TT-NHNN và bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung để phù hợp với thực tiễn, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng nhằm bảo đảm kiểm soát hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng phát triển lành mạnh, bền vững.

Đồng thời, bổ sung nội dung quy định về hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp giữa các tổ chức tín dụng và hoạt động bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, qua đó quản lý các hoạt động này thống nhất với các hoạt động cấp tín dụng khác.

Theo đó, dự thảo Thông tư gồm 14 Điều quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; nguyên tắc, điều kiện mua, bán trái phiếu doanh nghiệp; trách nhiệm của tổ chức tín dụng khi thực hiện mua, bán trái phiếu doanh nghiệp; giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp; hệ số rủi ro, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro đối với số dư mua trái phiếu doanh nghiệp; hiệu lực thi hành; điều khoản chuyển tiếp…/.

Thùy Dương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục